IAEA: Iran có kế hoạch đẩy nhanh quá trình làm giàu urani
Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300km về phía nam - Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran có kế hoạch lắp đặt hàng trăm máy ly tâm tiên tiến để làm giàu urani tại nhà máy dưới lòng đất.
Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng áp lực đối với Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden.
Theo tài liệu mật của IAEA, Iran có kế hoạch lắp đặt thêm ba cụm máy ly tâm IR-2m tiên tiến tại nhà máy hạt nhân Natanz dưới lòng đất, vốn được xây dựng để chống chịu được các cuộc không kích.
Trong bức thư đề ngày 2/12, Iran đã thông báo tới IAEA rằng đơn vị điều hành Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) tại Natanz dự định lắp đặt ba cụm máy ly tâm IR-2m tại đây.
Iran gần đây đã di chuyển một cụm gồm 174 máy IR-2m dưới lòng đất tại nhà máy Natanz và tiến hành làm giàu urani với số máy ly tâm này. Tehran đã có kế hoạch lắp đặt thêm hai cụm máy tiên tiến khác tại đây, bên cạnh 5.060 máy IR-1 đã được sử dụng để làm giàu urani trong nhiều năm qua.
Thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới quy định Tehran chỉ có thể sử dụng các máy ly tâm IR-1 thế hệ đầu tiên, vốn kém hiệu quả hơn, tại nhà máy dưới lòng đất và đó là những chiếc máy duy nhất mà Iran có thể tích trữ urani được làm giàu.
Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani nhằm đáp trả việc Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, đã nói rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận nếu Iran tiếp tục đầy đủ tuân thủ các cam kết hạt nhân.
Trong diễn biến khác, Đức - nước hiện đảm nhận vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) - cho rằng cần phải đạt được một thỏa thuận hạt nhân Iran mới ở phạm vi rộng lớn hơn để kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, đồng thời cảnh báo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là vẫn chưa đủ.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Spiegel ngày 4/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Cần có một hình thức 'thỏa thuận hạt nhân cộng' phù hợp với lợi ích của chúng tôi". Ông bày tỏ hy vọng về một nước Iran không có vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo và đóng một vai trò khác trong khu vực.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã được Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký năm 2015. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống lại Iran với các lệnh trừng phạt.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)