IAEA yêu cầu Iran giải trình về chương trình hạt nhân giữa lúc Mỹ 'rậm rịch' trừng phạt
Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, tính đến ngày 2/11, kho dự trữ urani làm giàu cấp độ thấp của Iran là hơn 2.442 kg, trong khi mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là 202,8 kg.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm qua (11/11) công bố báo cáo cho thấy, kho dự trữ urani làm giàu cấp độ thấp của Iran đã vượt 12 lần mức cho phép, đồng thời yêu cầu nước này giải trình về sự tồn tại của vật liệu hạt nhân tại một cơ sở chưa được công bố. Thông tin đưa ra trong bối cảnh, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch về một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, có thể ngay từ đầu tuần tới.
Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, tính đến ngày 2/11, kho dự trữ urani làm giàu cấp độ thấp của Iran là hơn 2.442 kg, trong khi mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là 202,8 kg. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cũng khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục làm giàu urani với độ tinh khiết lên tới 4,5%, cao hơn mức 3,67% được cho phép.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt trừng phạt, Iran đã gia tăng áp lực lên các bên còn lại, trong nỗ lực tìm ra cách thức mới để bù đắp những hành động của Mỹ đang làm tê liệt nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, mặt khác Iran vẫn tiếp tục cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyển tử quốc tế tiếp cận đầy đủ với các cơ sở hạt nhân của nước này.
Đây cũng là lý do chính mà các bên tham gia ký kết còn lại tới nay vẫn dành cho Iran những sự đảm bảo nhất định. Theo các nhà phân tích, đây sẽ vẫn là cách tiếp cận chủ đạo của Iran trong thời gian tới dù ông Trump hay ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin về chiến thắng bầu cử của ứng cử cử viên đảng Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng một lần nữa khẳng định lập trường này: “Iran đã nhiều lần tuyên bố thỏa thuận hạt nhân hay Kế hoạch hành động toàn diện chung đã là quá khứ và và không ai có thể mở lại. Mỹ đã vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi rút khỏi thỏa thuận, gây thiệt hại vật chất cho người dân Iran và Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình. Tất nhiên Iran sẽ là bên nguyên đơn”.
Trên thực tế, những ngày qua đã chứng kiến một loạt bước đi cho thấy ý định của chính quyền Tổng thống Trump đang trong quá trình chuẩn bị những bước đi cứng rắn hơn nhằm vào Iran từ quyết định đột ngột hôm 9/11 của nhà lãnh đạo Mỹ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đến việc rậm rịch lên kế hoạch trừng phạt Iran ngay đầu tuần tới.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nếu phải rời Nhà trắng, trong thời gian hơn 70 ngày chuyển giao quyền lực, chính quyền của Tổng thống Trumpsẽ cố gắng tung ra nhiều chính sách khó đảo ngược nhất có thể, trong đó có vấn đề Iran.
Một phân tích mới đây của Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington cho thấy, Iran hiện có nhiều hơn gấp đôi nguyên liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi lại không chia sẻ đánh giá này, trong khi Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Iran Majid Takht Ravanchi khẳng định, Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã nhất trí làm việc trên tinh thần thiện chí để giải tỏa những nghi ngại./.