ICAO: Lượng hành khách hàng không có thể giảm tới hơn 1 tỷ người
ICAO cho rằng lượng khách đi lại bằng đường hàng không sẽ sụt giảm lớn nhất là tại châu Âu, đặc biệt là trong mùa Hè, mùa cao điểm đi lại, và sau đó là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn thế giới giảm 2/3, khoảng 1,2 tỷ người, vào tháng 9.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã đưa ra nhận định này ngày 22/4.
ICAO cho rằng lượng khách đi lại bằng đường hàng không sẽ sụt giảm lớn nhất là tại châu Âu, đặc biệt là trong mùa Hè, mùa cao điểm đi lại, và sau đó là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năng lực khai thác hàng không cũng có thể bị giảm đáng kể, dẫn đến sụt giảm doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 160-253 tỷ USD.
Ước tính trên của ICAO nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính ban đầu đưa ra hồi tháng 2, khi dịch bệnh dường như chủ yếu tập trung tại Trung Quốc.
Khi đó, ICAO ước tính doanh thu của ngành hàng không có thể đối mặt với mức giảm 4-5 tỷ USD.
Nhằm khống chế sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới đã phải áp dụng biện pháp phong tỏa, khiến các hãng hàng không phải cắt giảm đáng kể hoạt động chở khách. Ước tính hàng nghìn máy bay đã phải “đắp chiếu” trên khắp các sân bay thế giới.
Ủy ban châu Âu dự kiến trong tháng tới sẽ đưa ra một loạt quy định để việc nối lại đi lại bẳng đường hàng không được đảm bảo an toàn khi các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, kết thúc.
Trong một phát biểu đăng trên trang mạng xã hội Twitter ngày 22/4, Ủy viên phụ trách vấn đề giao thông của Liên minh châu Âu Adina Valean cho biết trong số các biện pháp đang được ủy ban này cân nhắc có quy định đeo khẩu trang và khử trùng các máy bay và sân bay. Theo bà, các hướng dẫn này có thể được công bố vào giữa tháng 5 tới.
Dù chưa thể khẳng định khi nào ngành hành không có thể nối lại hoạt động như bình thường, song bà Valean cho rằng các quy định giãn cách xã hội vẫn phải được áp dụng cho đến khi tìm ra phương thức điều trị hoặc vắcxin phòng chống COVID-19.
Trong khi đó, cuộc tranh luận về việc làm thế nào để áp dụng các quy định giãn cách xã hội hoặc hoặc sử dụng thiết bị bảo hộ khi đi lại bằng đường hàng không đang nóng lên ở Mỹ - thị trường hàng không nội địa nhộn nhịp nhất thế giới.
Hiện chưa rõ Cơ quan Hàng không dân dụng Mỹ (FAA) có yêu cầu hành khách và phi hành đoàn đeo khẩu trang trên máy bay hay không.
Tuần trước, người đứng đầu FAA Steve Dickson đã thông báo với nghiệp đoàn phi công rằng cơ quan này và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã lên kế hoạch cập nhật hướng dẫn cho phi hành đoàn trong bối cảnh các phi công quan ngại về sự an toàn, song không bắt buộc thực hiện.
Hiện một số hãng hàng không Mỹ cũng đã tiến hành các biện pháp riêng của mình, trong đó có không sử dụng các ghế giữa, thay đổi quy trình lên máy bay. Hãng hàng không Delta Air Lines Inc đang khuyến khích hành khách và nhân viên sử dụng đồ bảo hộ khi lên máy bay. Theo hãng trên, hiện ít nhất 80% hành khách của hãng đeo khẩu trang.
Ngày 20/4 vừa qua, nhà chức trách Canada cũng đã bắt đầu yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang hoặc che mặt khi làm thủ tục lên máy bay và trên các chuyến bay.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/4, ban lãnh đạo Delta Air Line - một trong những hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ - đã cho rằng hãng này cần phải “thay đổi quy mô.”
Báo cáo hoạt động của Delta Air Lines cho thấy trong quý 1 (kết thúc ngày 31/3 vừa qua), hãng chịu mức thua lỗ theo quý lần đầu tiên trong gần 10 năm qua. Theo đó, Delta Air Lines đã mất tới 534 triệu USD, so với mức lợi nhuận 730 triệu của cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của hãng cũng sụt giảm tới 18%, xuống còn 8,6 tỷ USD.
Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, Giám đốc điều hành Ed Bastian ngậm ngùi đưa ra nhận định hãng hàng không này có thể phải mất 3 năm mới chứng kiến được sự phục hồi bền vững.
Theo ông Bastian, để có thể vượt qua giai đoạn hiện nay, Delta Air Lines cần thay đổi quy mô hoạt động trong thời gian tới để hướng đến tương lai lâu dài.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Delta Air Lines cũng cho rằng sự trở lại của việc đi lại bằng hàng không đầy “biến động” và phụ thuộc vào chính sách của các chính phủ cũng như người tiêu dùng về thời điểm an toàn để bắt đầu lại cuộc sống bình thường.
Giống như các hãng hàng không khác, để có thể tồn tại Delta Air Lines đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ. Theo đó, hãng này đã phải ngừng hoạt động 650 máy bay và cho 1/3 số nhân viên toàn cầu, khoảng 37.000 người, nghỉ việc không lương.
Delta Air Lines dự định sẽ cắt giảm 50% chi phí vào tháng 6 tới, giảm chi tiêu tiền mặt hằng ngày từ mức 100 triệu USD trong cuối tháng 3 xuống còn 50 triệu USD vào cuối tháng này.
Hiện hãng này đã giảm chi phí đầu tư hơn 3 tỷ USD, và đã có “cuộc đàm phán mang tính xây dựng” với Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus để trì hoãn việc giao các máy bay.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Delta Air Lines đã giảm 2,6% xuống còn 22,5 USD.
Nhằm giúp các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định hỗ trợ các hãng trong một phần của gói kích thích kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD.
Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ, các hãng không được ép buộc nhân viên nghỉ phép hoặc sa thải cho đến ngày 30/9 cũng như không được mua lại cổ phần hoặc cổ tức đến ngày 31/9/2021.
Dẫu vậy, nhiều hãng hàng không hàng đầu của Mỹ ngỏ ý cần cắt giảm nhân công do khả năng việc đi lại bằng hàng không sẽ phục hồi chậm chạp.
Cũng trong ngày 22/4, các nguồn thạo tin cho biết “ông lớn” chế tạo máy bay của Mỹ Boeing có kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động làm việc tại đơn vị sản xuất máy bay dân sự, tương đương khoảng 7.000 người, nhằm giảm thiểu các chi phí trong bối cảnh dịch COVID-19 đang đẩy các hãng hàng không lâm vào khủng hoảng.
Theo các nguồn tin trên, việc sa thải nhân công sẽ ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất dòng máy bay 737 MAX, vốn đã bị đình bay trong hơn 1 năm qua sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, cũng như dòng máy bay 787 và 777.
Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Boeing từ từ nối lại hoạt động sản xuất tại nhà máy Puget Sound ở Washington, với các biện pháp như yêu cầu công nhân phải giữ khoảng cách với nhau 2m, kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn tay.
Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun cho biết muốn giải quyết kế hoạch thu hẹp quy mô trước khi tập đoàn này bắt đầu các cuộc đàm phán với Bộ Tài chính Mỹ để có được sự hỗ trợ của liên bang.
Hiện Boeing mong muốn có được 60 tỷ USD tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, do số tiền hỗ trợ từ liên bang đi kèm với điều kiện không được sa thải hoặc ép nhân viên nghỉ phép, nên Boeing đang đưa ra chương trình “tự nguyện nghỉ việc.” Những người tham gia chương trình này sẽ được nhận một khoản tiền và gói lợi ích.
Boeing đang phải đối mặt với nhiều khó khăn giữa những tranh cãi xung quanh dòng máy bay bán chạy hàng đầu 737 MAX của mình cũng như việc không biết đến bao giờ các máy bay mới lại có thể lại sải cánh trên bầu trời.
Trong bối cảnh các hãng hàng không đang vật lộn đối phó với các tác động của dịch COVID-19 do các chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa, khiến việc đi lại hàng không bị tạm ngừng, nhiều đơn đặt hàng của Boeing cũng đã bị hủy bỏ./.