ICC nói gì việc Nga lại đưa thẩm phán của tòa vào danh sách truy nã?
Sau khi thẩm phán của Tòa Hình sự quốc tế (ICC) Tomoko Akane - người phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin hồi tháng 3 vừa qua, bị Moscow liệt vào danh sách truy nã của nước này, ICC hôm 1/8 (giờ địa phương) đã chính thức lên tiếng.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Các quốc gia thành viên, đại diện các nước tham gia ICC hôm 1/8 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc nữ thẩm phán Tomoko Akane “bị liệt vào danh sách truy nã theo điều khoản của Bộ luật Hình sự Nga", cho rằng nỗ lực mới nhằm làm suy yếu thẩm quyền quốc tế của ICC mà Nga áp đặt sẽ không đi tới đâu.
Đăng tải trên website chính thức, cơ quan đại diện các quốc gia thành viên ICC cũng tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với ICC, các quan chức được bầu và nhân viên của ICC. Về phía Nga, điện Kremlin hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Được biết, bà Tomoko Akane mang quốc tịch Nhật Bản, là một trong 18 thẩm phán của ICC từ năm 2018. Trước đó, bà là đại sứ hợp tác tư pháp quốc tế của Nhật Bản, đồng thời từng là công tố viên. Bà cũng chính là người đã phát lệnh bắt ông Putin hồi tháng 3 vừa qua, với cáo buộc có thể liên quan tội ác chiến tranh. ICC cho rằng Nga đã đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang nước này một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Kremlin khẳng định không công nhận ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.
Trước bà Tomoko Akane, Nga đã lần lượt đưa công tố viên người Anh Karim Khan và thẩm phán người Italia Rosario Salvatore Aitala của ICC vào danh sách truy nã hồi tháng 5 và tháng 6. Tuy vậy, các công tố viên, thẩm phán ICC nêu trên sẽ chỉ bị bắt khi đặt chân đến lãnh thổ Nga hoặc quốc gia đồng minh có ký thỏa thuận dẫn độ với Nga.
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) được thành lập ngày 17/7/1998 theo Quy chế Rome và có hiệu lực từ ngày 1/7/2002. Hiện 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome. Trong số các nước không công nhận ICC có Nga, Mỹ, Israel, Trung Quốc, Iran, và Ấn Độ.