ICRC: Hơn 71.000 người mất tích tại châu Phi do xung đột vũ trang, bạo lực, thiên tai và di cư
Đằng sau mỗi người mất tích có vô số người khác đang phải chịu đựng nỗi đau khổ và tình trạng bất ổn định.
Ngày 29/8, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết hiện trên khắp châu Phi có hơn 71.000 người đang mất tích do xung đột vũ trang, bạo lực, thiên tai và hoạt động di cư, tăng 75% so với năm 2019.
Phát biểu nhân dịp Ngày Quốc tế Người mất tích (30/8), Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của ICRC Patrick Youssef nêu rõ: "Đằng sau mỗi người mất tích có vô số người khác đang phải chịu đựng nỗi đau khổ và tình trạng bất ổn định. Đó là thảm kịch nhân đạo đối với các gia đình, để lại nhiều hậu quả đối với toàn xã hội".
Theo ông Youssef, một trong những hậu quả nặng nề và lâu dài nhất do xung đột và bạo lực đối với châu Phi là làm nhiều người mất tích, bao gồm cả những người mất tích do vũ lực. Dựa trên các trường hợp được ICRC ghi nhận tính đến tháng 6/2024, châu Phi có số lượng người mất tích, trẻ em không có người đi cùng và các cuộc đoàn tụ gia đình cao nhất thế giới.
Ông Youssef cho biết thêm trong xung đột vũ trang, cả dân thường và các chiến binh đều mất tích. Họ có thể mất tích khi bị bắt giữ hoặc giam giữ và bị mất liên lạc. Họ có thể còn sống, nhưng đơn giản là không có phương tiện để liên lạc với người thân của họ.
Cũng theo ICRC, luật nhân đạo quốc tế quy định các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm chính về làm sáng tỏ số phận và nơi ở của những người mất tích, tuy nhiên những hạn chế về nguồn lực, kiến thức hoặc ý chí chính trị thường gây trở ngại cho nỗ lực này của họ, do đó ICRC và các tổ chức quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế này.
Văn Khoa