'Ðiểm danh' học lý thuyết lái ôtô là ngược xu thế?

Quy định mới với các điều kiện ràng buộc người học lý thuyết lái ôtô và các cơ sở đào tạo đang gây phản ứng bởi bị cho là không phù hợp, đi ngược xu thế

Hiệp hội Vận tải TP HCM đang kiến nghị Tổng cục Ðường bộ (TCĐB) và các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi Văn bản 1333/TCÐB của TCĐB liên quan việc áp dụng quy định "điểm danh" thời gian học lý thuyết lái ôtô của học viên môn học pháp luật giao thông đường bộ thông qua hệ thống công nghệ giám sát.

Không phù hợp

Theo Hiệp hội Vận tải TP HCM, quy định nêu trên yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương chỉ đạo những cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn phải lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ôtô (trừ hạng bằng B1). Hệ thống thiết bị bao gồm máy điểm danh bằng công nghệ thẻ từ, thẻ chip hoặc nhận dạng vân tay, khuôn mặt để kiểm tra, ghi nhận thời gian học của học viên. Nếu học không đủ thời gian, học viên bị xem chưa hoàn thành khóa học và sẽ không được dự thi sát hạch lái xe. "Yêu cầu như vậy là không phù hợp, không cần thiết và thiếu khoa học" - ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP HCM, nhấn mạnh và cho rằng: Việc điểm danh để bắt buộc người đi học tập trung, chẳng khác nào như học sinh ở các trường phổ thông, trong khi đa phần học viên là cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc cần thời gian phù hợp để học lái xe.

Theo quy định của Tổng cục Ðường bộ, trường dạy lái ôtô phải trang bị thiết bị nhận dạng để điểm danh môn học pháp luật giao thông đường bộ

Theo quy định của Tổng cục Ðường bộ, trường dạy lái ôtô phải trang bị thiết bị nhận dạng để điểm danh môn học pháp luật giao thông đường bộ

Theo ông Quản, văn bản nêu trên của TCĐB cũng đi ngược xu hướng phát triển đào tạo học tập ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Lý do là hiện nay, nhiều nơi đã áp dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến, giảng dạy từ xa, giảng dạy trên mạng... "Việc đặt ra điều kiện ràng buộc học viên đi học tập trung là chưa hợp lý dẫn đến bất an trong xã hội, học phí tăng cao do cơ sở đào tạo phải đầu tư trang thiết bị, làm cho người dân không có điều kiện tham gia học tập, chuyển đổi nghề nghiệp" - ông Quản đánh giá.

Trước những vấn đề đó, Hiệp hội Vận tải TP kiến nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động học lái xe, chuyển đổi ngành nghề. Ðồng thời, tăng cường công tác giám sát các kỳ thi sát hạch lái xe nhằm nâng cao chất lượng của học viên và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành vận tải. Trước đó, Hiệp hội Vận tải Việt Nam ngày 10-2 cũng đã có văn bản gửi TCĐB kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đào tạo và sát hạch lái xe về tiêu chuẩn giáo viên, điều kiện đối với học viên học lý thuyết hiện nay.

Cần giảm thủ tục

Theo giám đốc một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tại TP HCM, đơn vị đang "chạy đua" trong việc lựa chọn công nghệ thuộc hệ thống giám sát, điểm danh nêu trên bởi từ ngày 1-5 bắt đầu phải áp dụng. Thế nhưng, một vấn đề đáng lo ngại là nhiều cơ sở đào tạo không biết lựa chọn công nghệ nào phù hợp, bởi khi đầu tư thiết bị giám sát theo nhận dạng vân tay, khuôn mặt hay thẻ từ cho mỗi học viên còn tính đến việc tích hợp vào hệ thống nhận diện trên xe có gắn thiết bị định vị sắp phải đầu tư vào cuối năm nay theo lộ trình. Tiếp đến là cho hệ thống học mô hình, mô phỏng sau này. Ngoài ra, thiết bị giám sát phải được kết nối trực tuyến với các đơn vị chức năng để giám sát, vì vậy việc chọn đơn vị lắp đặt công nghệ sẽ tác động đến các lần đầu tư sau đó và nếu sau này không tích hợp được vào hệ thống chung thì phải đầu tư lại từ đầu.

Cũng theo vị này, mục đích của quy định điểm danh học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ như trên nhằm chống tiêu cực trong hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe cũng như bảo đảm an toàn giao thông sau này. Nhưng việc kiểm soát chất lượng học, đầu ra của học viên hoàn toàn có thể thực hiện bằng nhiều cách khác như siết chặt ở các kỳ thi. Chưa kể, đối tượng học lái ôtô không phải như học sinh, sinh viên mà thành phần là nhiều người từ cán bộ, công nhân viên, người lao động... Do đó, khi áp dụng quy định trên cũng gây ra những trở ngại trong việc sắp xếp thời gian học tập trung để điểm danh, trong khi việc này hoàn toàn có thể chủ động học từ xa, trực tuyến.

"Ðặc thù nghề lái xe, vấn đề quan trọng là kỹ năng mềm, xử lý tình huống giao thông. Vì vậy, tại các kỳ thi, nếu chất lượng học không bảo đảm, học viên sẽ không thể đạt kết quả tốt. Nếu siết chặt giám sát ở những khâu này thì chất lượng đầu ra sẽ bảo đảm, không nhất thiết phải thực hiện biện pháp như trên. Dù vậy, hiện nay văn bản đã ban hành và chúng tôi đang gấp rút thực hiện theo" - vị giám đốc trung tâm nói.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cũng cho rằng thực tế hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gồm rất nhiều yếu tố như hệ thống đường sá, phương tiện, thời gian làm việc của tài xế... Trong khi với đặc thù của nghề lái xe, vốn là ngành nghề chủ yếu dành cho tầng lớp lao động bình dân, cơ quan nhà nước nên nghiên cứu càng tinh giản thủ tục hành chính càng tốt để tạo điều kiện cho người học lái xe. "Nếu tổ chức thi nghiêm túc thì đâu cần phải bảo đảm giờ học lý thuyết 100%" - ông Lê Trung Tính khẳng định.

Hệ thống thiết bị khoảng 150-160 triệu đồng

Theo tìm hiểu, một số hãng công nghệ cũng đã giới thiệu sản phẩm về hệ thống giám sát, điểm danh học viên học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ. Theo đó, tổng chi phí đầu tư cho hệ thống này vào khoảng 150-160 triệu đồng. Trong hệ thống bao gồm nhiều thiết bị như nhận dạng điểm danh thời gian học, phần mềm quản lý dữ liệu, hiển thị kết quả, thiết bị lấy mẫu nhận dạng, phần mềm lấy mẫu dữ liệu nhận dạng...

Bài và ảnh: GIA MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/iem-danh-hoc-ly-thuyet-lai-oto-la-nguoc-xu-the-20200319220314213.htm