Ðiểm tựa của đồng bào
Thanh Nga
BPO - “Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” - đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện với các điển hình tiên tiến vào năm 2018. Điều đó cho thấy, vai trò của “điểm tựa” này rất quan trọng, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Trong chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, tỉnh Bình Phước có 7 đại biểu sẽ được tuyên dương. Trong đó có ông Thạch Bình, người có uy tín ở ấp Suối Ngang, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành và ông Chàm Sa, người có uy tín ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú.
Thay đổi đời sống đồng bào Khmer
Với người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở ấp Suối Ngang, ông Thạch Bình rất quen thuộc và gần gũi với họ. Đã nghỉ hưu sau 20 năm làm trưởng ấp, ông tiếp tục được mọi người tín nhiệm và trở thành người có uy tín 5 năm nay. Hiện không còn trực tiếp tham gia cùng Ban điều hành ấp nhưng là đảng viên, ông vẫn tích cực đóng góp ý kiến tâm huyết, đưa ra những giải pháp, cách làm hay để đời sống người dân nói chung, đồng bào DTTS trong ấp nói riêng tốt lên mỗi ngày. Đặc biệt, với vai trò người có uy tín, ông thường xuyên đến nhà các hộ đồng bào DTTS tìm hiểu về những thuận lợi, khó khăn để tư vấn kịp thời. Anh Lâm Lon, người dân ấp Suối Ngang vui vẻ cho biết: Ông Thạch Bình rất tâm huyết và hết lòng với người dân nơi đây. Cuộc sống nay đã thay đổi nhiều, có đường lớn để đi, đèn điện chiếu sáng… trong đó có một phần công sức của ông Bình.
Ấp Suối Ngang có hơn 200 hộ dân với nhiều thành phần dân tộc, chủ yếu là người Kinh và Khmer. Sau khi xã Nha Bích về đích nông thôn mới, đây cũng là ấp đầu tiên trở thành ấp kiểu mẫu của xã. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn mở rộng theo hướng nông thôn mới nâng cao được Ban điều hành ấp, người có uy tín như ông Thạch Bình tiếp tục vận động người dân thực hiện. Những tuyến đường bê tông rộng 3-4m dần được thay thế bằng các tuyến đường nhựa mở rộng lên 10m được người dân ủng hộ nhiệt tình.
Ông Trần Văn Hiền, người dân trong ấp phấn khởi: Sau khi nghe thông tin sẽ mở rộng tuyến đường số 6 đi qua trước nhà, tôi mừng lắm! Thêm nữa, được sự vận động của ông Thạch Bình, tôi thực hiện dỡ cổng, tự lùi vào trong và hiến hơn 3m đất để giải phóng mặt bằng. Thấy tôi tiên phong như vậy, hàng xóm cũng tự nguyện làm theo. Đến nay, toàn bộ tuyến đường đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
20 năm làm trưởng ấp, 5 năm được công nhận là người có uy tín của ấp Suối Ngang, với ông Thạch Bình đó là niềm tự hào, hãnh diện. Được Đảng và Nhà nước tín nhiệm, người dân tin yêu, ông lại càng có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để đồng bào làm theo, ông và các thành viên trong gia đình tiếp tục đầu tàu, gương mẫu trong cuộc sống, các hoạt động, phong trào tại địa phương. Tất cả cùng góp một phần công sức vào công cuộc đổi mới quê hương. “Muốn làm người có uy tín, mình phải xây dựng được uy tín với chính bản thân và cộng đồng. Đó là các phong trào, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đưa ra, mình phải tiên phong, gương mẫu đi đầu. Tôi rất vui vì luôn được nhân dân tín nhiệm. Nếu còn sức khỏe tôi vẫn mong được là cầu nối để tuyên truyền giúp người dân có cuộc sống tốt hơn” - ông Thạch Bình chia sẻ.
Cầu nối thiết thực của nhân dân
“Bác Sa ơi, bác Sa à!” - đó là cách gọi thân thương của thanh thiếu nhi, nhiều người dân ấp Tân Phú, xã Thuận Phú với ông Chàm Sa. Đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: đại biểu HĐND xã, giáo cả, người có uy tín, nhưng hình ảnh đọng lại trong người dân địa phương, ông là một người đầy thương yêu như thế!
Ấp Tân Phú là nơi sinh sống của cộng đồng người Tày, Nùng và chiếm đa số là đồng bào Chăm. Nhiều năm qua, Tân Phú luôn là điểm sáng khu dân cư tiêu biểu của xã. 100% người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, đời sống kinh tế khá giả; người dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có được điều đó, vai trò, tiếng nói của người uy tín như ông Chàm Sa rất quan trọng. Chị Ty Hà Chọt ở ấp Tân Phú cho biết: Trước đây, đường sá đi lại khó khăn. Mọi người ý kiến với ông Chàm Sa, rồi ông đi họp, đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ.
Mỗi buổi đến thánh đường, ngoài nghe kinh, đây cũng là thời điểm để ông Chàm Sa lắng nghe, trao đổi kịp thời nhiều vấn đề với người dân trong ấp. Ở độ tuổi ngoài 60 với rất nhiều công việc, đôi lúc mệt mỏi nhưng với ông, đó chính là niềm vui, là động lực để cống hiến. “Càng vất vả thì mình càng phải cố gắng. Sự tin tưởng của người dân với mình thế nào thì mình làm đúng như vậy. Đi ra đường, các cháu 4-5 tuổi gọi “bác Sa, bác Sa ơi!”, dù mình không cho kẹo, bánh gì nhưng như thế là vui rồi!” - ông Chàm Sa chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có gần 500 già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Họ có sự ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng DTTS. Bằng uy tín, niềm tin, mỗi già làng, người có uy tín là “cây cao bóng cả”, tiên phong trong vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147667/diem-tua-cua-dong-bao