Ðiện Biên Ðông đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ
ĐBP - Trước mùa mưa lũ 2019, huyện Ðiện Biên Ðông đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn hạ tầng giao thông. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tu sửa, khơi thông cống rãnh; bố trí nhân lực, vật tư tại các điểm xung yếu để kịp thời khắc phục khi sự cố xảy ra.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 tuyến đường nội thị, liên xã với tổng chiều dài 226,15km. Tuy nhiên, mới có 99,9km đường được bê tông hóa hoặc nhựa hóa (đạt 44%); còn lại 126,25km gồm đường cấp phối và đường đất đã xuống cấp (trong đó đường đất chiếm trên 55%), hệ thống rãnh thoát nước bị xuống cấp, hư hỏng. Huyện chỉ có 9/14 xã, thị trấn có đường ô tô đi được đến trung tâm xã các mùa trong năm. Ðây là những xã được hưởng lợi từ quốc lộ 12 kéo dài. Còn lại, 5 xã vào mùa mưa đi lại rất khó khăn, nếu mưa lớn kéo dài các tuyến đường này các phương tiện không thể qua lại. Ngoài ra, những tuyến đường được bê tông hoặc nhựa hóa qua thời gian dài khai thác sử dụng, đến nay đã xuống cấp trong khi thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Hệ thống thoát nước trên các tuyến cơ bản chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, bởi vậy về mùa mưa lũ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với giao thông rất lớn.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã tu sửa và kiểm tra, đánh giá thực trạng tất cả các tuyến đường. Ðặc biệt là phối hợp với Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II đảm bảo an toàn trên 2 tuyến đường: Pom Lót - Suối Lư - Mường Luân - Chiềng Sơ và tuyến Na Son - Pú Nhi - Noong Bua. Ðây là 2 tuyến giao thông huyết mạch của huyện nên khi xảy ra sự cố phải được khắc phục kịp thời, không để ách tắc giao thông.
Nhiều năm nay, huyện Ðiện Biên Ðông đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, như: Ngân sách Trung ương và địa phương, vốn ODA. Huyện cũng tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp; vận động người dân hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ; nhân rộng mô hình “Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức”; sử dụng tư vấn giám sát cộng đồng. Ðối với các xã chưa được đầu tư cứng hóa mặt đường, huyện ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư đường ô tô tới các trung tâm xã. Các khoản vay ODA lớn được tập trung cho các dự án hạ tầng có quy mô lớn, hiện đại.
Từ năm 2018, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã tham mưu với UBND huyện hợp đồng với 5 doanh nghiệp tập trung máy móc, nhân lực thông tuyến tạm thời tại các điểm sạt lở lớn trong mùa mưa lũ, đảm bảo các tuyến đường trọng yếu của huyện không bị ách tắc. Trong đó chú trọng các tuyến: Na Son - Chóp Ly, ngã tư Phì Nhừ - Xa Dung, Phì Nhừ - Chiềng Sơ, Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà, Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình, Na Son - Xa Dung - Mường Lạn. Tại một số điểm, cung đường hay xảy ra sụt, sạt, chính quyền cơ sở thành lập tổ xung kích thường xuyên tuần tra nhằm phát hiện sớm sự cố để thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với UBND các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân phát tuyến, khơi thông cống rãnh thoát nước, sửa chữa cầu cống tạm, vá ổ gà, san lấp mặt đường đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” xử lý kịp thời sự cố giao thông do thiên tai.