Ðiện Biên Ðông phát triển chăn nuôi bò
ĐBP - Với diện tích bãi chăn thả lớn, điều kiện khí hậu tương đối thích hợp, huyện Ðiện Biên Ðông xác định chăn nuôi bò là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, huyện đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển đàn bò. Ðến nay, nhiều hộ chăn nuôi bò đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Xa Dung thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò. Trong ảnh: Người dân bản Nà Sản A, xã Xa Dung chăm sóc đàn bò. Ảnh: Quốc Huy
Ðể phát triển đàn bò tương xứng với tiềm năng của huyện, tạo bước phát triển bền vững, Huyện ủy Ðiện Biên Ðông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020; đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển đàn bò của từng xã. Ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi bò được thành lập, kiện toàn từ huyện đến cơ sở, có quy chế làm việc, chương trình và kế hoạch thực hiện cụ thể. UBND huyện cũng giao chỉ tiêu kế hoạch từng năm cho các xã, thị trấn về vận động người dân trồng nhiều loại cỏ có năng suất cao làm thức ăn cho gia súc. Ðồng thời, hỗ trợ kinh phí cho người dân trồng cỏ, mua con giống, làm chuồng trại, hỗ trợ tiêm phòng bệnh cho đàn bò.
Trước đây, gia đình ông Lò Văn Thanh, bản Na Phát, xã Na Son gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác ít, hiệu quả thu được từ hoạt động sản xuất nông nghiệp không cao. Từ năm 2017, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản tập trung và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gia đình ông Thanh đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò kết hợp trồng cỏ. Ðến nay gia đình ông Thanh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi trang trại rộng 3ha, trong đó có 5.000m2 trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò; thường xuyên duy trì đàn bò hơn 10 con.
Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi bò theo mô hình trang trại, với số lượng lớn, mang lại thu nhập cao. Ðể đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, xã vận động người dân trồng cỏ voi, dự trữ rơm, rạ; đồng thời chủ động tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò. Nhờ vậy đàn bò khỏe mạnh, sinh sản nhanh, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Nếu như năm 2017, cả xã chỉ có hơn 600 con bò thì đến năm 2020 tổng số bò đã tăng lên gần 1.300 con.
Xác định chăn nuôi bò là “mũi nhọn” trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, từ năm 2017 đến nay huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ trồng cỏ, con giống, làm chuồng trại, tiêm phòng. Do vậy, trong những năm qua đàn bò phát triển mạnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện. Nhiều hộ chăn nuôi bò đã thoát nghèo, điển hình là các hộ: Giàng Văn Minh (xã Keo Lôm), Lò Văn Tính (xã Phì Nhừ), Lò Văn An (xã Luân Giói), Lường Văn Pánh, Sầm Văn Phu (thị trấn Ðiện Biên Ðông)…
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Những năm qua, chăn nuôi bò đã dần khẳng định hiệu quả kinh tế bền vững với tỷ trọng chiếm từ 10% - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ðiện Biên Ðông. Nếu như năm 2015, toàn huyện chỉ có hơn 10.800 con bò thì đến nay tổng số đàn bò tăng lên hơn 33.500 con (đạt hơn 130% so với Nghị quyết Ðảng bộ huyện đề ra); tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân đạt 4% - 5%/năm. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi bò; nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả và thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò. Huyện khuyến khích người dân chuyển diện tích đất nương kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất chưa sử dụng ven suối, bờ ao hồ để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.