IFC đầu tư trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ ở Việt Nam

Nguồn vốn huy động bằng trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam này nhằm giúp các doanh nghiệp phát hành mở rộng kinh doanh, đồng thời tạo việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hỗ trợ mô hình tăng trưởng carbon thấp của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi các doanh nghiệp trong nước đang tìm kiếm nguồn tài trợ để phát triển và nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do CTCP BIM Land và công ty con là CTCP Thanh Xuân phát hành.

Cụ thể, khoản đầu tư của IFC bao gồm 2 khoản đăng ký mua trái phiếu lên tới 2.333 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) do BIM Land, doanh nghiệp phát triển bất động sản và du lịch hàng đầu tại Việt Nam phát hành và 1.167 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) do CTCP Thanh Xuân phát hành.

Cả hai doanh nghiệp phát hành đều là công ty con của BIM Group, một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để phát triển dự án Thung lũng Thanh Xuân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm một cộng đồng dân cư độc đáo và thân thiện với môi trường cùng với tổ hợp khách sạn dưới thương hiệu InterContinental, cùng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan khác. Khoản tài trợ của IFC cũng sẽ giúp chủ đầu tư triển khai các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn của BIM Land là InterContinental và Regent tại Phú Quốc.

Là một công cụ tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển bền vững toàn cầu, trái phiếu liên kết bền vững sẽ cung cấp ưu đãi cho BIM Land và CTCP Thanh Xuân khi các nhà phát hành tăng cường tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại ba khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC. Các giải pháp này dự kiến sẽ giúp giảm được khoảng 4.000 tấn phát thải CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải nhà kính từ 890 ô tô chạy xăng trong một năm.

“Phát triển bền vững là một nội dung quan trọng trong chiến lược của chúng tôi nhằm định vị BIM Land là nhà phát triển và vận hành bất động sản hàng đầu ở châu Á với tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư quốc tế khi chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xanh và chất lượng cao trên khắp đất nước,” ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành BIM Group cho biết và thông tin thêm, nguồn tài trợ và tư vấn của IFC sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của công ty gắn với các thông lệ tốt của ngành và các mục tiêu toàn cầu về khí hậu.

IFC cũng đã hỗ trợ BIM Land xây dựng khung tài chính liên kết bền vững với những mục tiêu hoạt động bền vững được thiết kế phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.

“Vốn tư nhân là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Việc phát hành trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên trong nước là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của các công cụ tài chính xanh sáng tạo như một kênh huy động vốn mới cho các dự án thông minh với khí hậu tại Việt Nam,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết.

Cũng theo đại diện IFC, khoản đầu tư của tổ chức này cũng sẽ khuyến khích các nhà phát triển gắn lợi ích của họ với hoạt động đầu tư có trách nhiệm để có thể huy động vốn từ thị trường vốn xanh, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch bền vững.

Để góp phần đạt được mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khí hậu và phát triển bền vững đã và đang trở thành một lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.

Tính đến nay, IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam. Tổng cam kết đầu tư của IFC tại Việt Nam đạt gần 1,9 tỷ USD trong năm tài chính 2023, kết thúc vào ngày 30/6, để giúp các doanh nghiệp trong nước phục hồi sau đại dịch Covid-19 và vượt qua những khó khăn đến từ môi trường trong nước cũng như quốc tế.

IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi. IFC làm việc tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.

Trong năm tài chính 2023, IFC đã cam kết đầu tư kỷ lục lên đến 43,7 tỷ USD cho các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính ở những nước đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung khi các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của các cuộc khủng hoảng kép toàn cầu.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ifc-dau-tu-trai-phieu-lien-ket-ben-vung-bang-noi-te-o-viet-nam-post27080.html