IKEA hoàn tất việc bán nhà máy ở Nga cho công ty địa phương
Hôm 27/3, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển IKEA tuyên bố đã bán nhà máy của mình tại thành phố Novgorod (Nga) cho công ty địa phương Invest Plus sau xung đột Nga – Ukraine. (CLO) Hôm 27/3, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển IKEA tuyên bố đã bán nhà máy của mình tại thành phố Novgorod (Nga) cho công ty địa phương Invest Plus sau xung đột Nga – Ukraine.
IKEA là một công ty quốc tế chuyên thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà. Và hơn hết, đây là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Ra đời từ năm 1943 tại Thụy Điển với cha đẻ là ông Ingvar Kamprad - một doanh nhân khởi nghiệp khi mới 17 tuổi, IKEA đã nhanh chóng thống lĩnh toàn cầu với 392 cửa hàng tại 48 quốc gia, rải rác khắp các châu lục.
Kể từ khi Nga tuyên bố tấn công Ukraine vào 24/2, IKEA đã tạm dừng tất cả các hoạt động sản xuất và bán lẻ ở Moscow cùng với nhiều công ty phương Tây khác. Tuy nhiên, vào mùa hè năm ngoái, IKEA đã nhanh chóng khôi phục hoạt động bán hàng trực tuyến và một phần của công ty vẫn điều hành 14 trung tâm mua sắm mang thương hiệu MEGA ở Nga.
Các phương tiện truyền thông địa phương vào tháng Hai đưa tin rằng Tập đoàn Ingka, chủ sở hữu của hầu hết các cửa hàng IKEA, đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng mua các trung tâm thương mại thuộc gã khổng lồ nội thất Thụy Điển này.
Chia sẻ với Reuters, chủ sở hữu thương hiệu Inter IKEA Group nói: "Quy trình bán nhà máy và các cơ sở bán lẻ đã được lên kế hoạch và thực hiện từng bước để tìm chủ sở hữu mới”.
Các bên không tiết lộ tổng số tiền của thỏa thuận cũng như chi tiết các điều khoản.
Bên cạnh đó, giám đốc điều hành của Invest Plus Vadim Osipov cho biết trong một tuyên bố: “Quá trình ký kết thỏa thuận không hề dễ dàng và khá dài”, đồng thời cảm ơn tất cả các bên liên quan - IKEA, các cơ quan quản lý của Nga và Thụy Điển cũng như Bộ Công Thương Nga.
"Mục tiêu của chúng tôi là đưa sản phẩm chất lượng cao và phổ biến của nhà máy Novgorod trở lại thị trường đồ nội thất của Nga càng nhanh càng tốt," Osipov nói.
Việc rút lui của các công ty phương Tây rất phức tạp vì các thỏa thuận liên quan đến các công ty từ những quốc gia được gọi là không thân thiện - những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga và mọi hành động cần có sự chấp thuận của Chính phủ.
Lê Na (Theo Reuters)