Ile-de-France muốn giúp Hà Nội xây những 'khu chợ không rác'
Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12, UBND thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France đã đồng chủ trì phiên hội thảo về 'Đô thị bền vững'.
Cơ hội bàn thảo các phương thức, kinh nghiệm trong phát triển đô thị xanh, thông minh
Đây là một dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.
Ngày nay, các đô thị không những trở thành cực tăng trưởng quan trọng làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chủ đề "Đô thị bền vững" được lựa chọn với ý nghĩa khái quát, tổng kết những kết quả đạt được của các kỳ hội nghị lần trước. Đồng thời, hội thảo là cơ hội gợi mở những hướng đi mới cho sự hợp tác về phát triển đô thị trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 với những tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Tại phiên Hội thảo “Đô thị bền vững”, các đại biểu của Việt Nam và Pháp đã đưa ra nhiều tham luận ý nghĩa và thiết thực với nội dung xoay quanh quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong nhiều năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị là một trong những nội dung ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Các chương trình được triển khai ở nhiều cấp độ và hình thức, nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hóa, xây dựng các giải pháp có tính tổng thể, bền vững đảm bảo hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, hội nhập và giữ gìn văn hóa để đô thị đáng sống hơn”.
Theo tổ chức nhà ở Liên hiệp quốc, vào năm 1950, thì 25% dân số sống ở đô thị, trong khi con số này, trong năm 2020, đã tăng lên 50%. Tại Việt Nam cũng chứng kiến những thay đổi lớn hệ thống đô thị, hạ tầng kĩ thuật kinh tế xã hội được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao. Tính tới hết năm 2022, tại Việt Nam có 88 đô thị, ước tính đóng góp 75% GDP cả nước. Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị cũng thách thức như hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, quá tải bộc lộ hạn chế đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19....
Riêng với Hà Nội, là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360 km2, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp. Những thách thức này đòi hỏi cách thức triển khai quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, mang tính chiến lược. Trong tiến trình đó, Hà Nội rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia có bề dày trong phát triển đô thị, trong đó, có thể kể đến vùng Ile de France và nhiều địa phương của Pháp có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, hội thảo là cơ hội để cùng bàn thảo các phương thức, kinh nghiệm trong phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, nâng cao đời sống sinh kế, học tập và làm việc ở các đô thị của người dân. Hội thảo cùng là dịp để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.
Điểm tương đồng giữa Hà Nội và Ile-de-France
Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France Stéphane Beaude cho rằng, phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận cơ bản của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên, chính là những yếu tố một đô thị bền vững cần có. Đặc biệt, đối với Việt Nam, nơi cư dân đô thị chủ yếu sống ở đồng bằng chịu ảnh hưởng sự nóng lên trái đất, biến đổi khí hậu càng cần lưu ý những yếu tố này trong phát triển đô thị.
Đây cũng là mục tiêu của vùng tại Pháp. Tại Ile-de-France hiện đã có một số dự án thí điểm và điển hình, theo đó, thành lập nhóm chuyên gia biến đổi khí hậu và sinh học, hỗ trợ các chủ thể kinh tế nông nghiệp, bảo vệ rừng, đổi mới sáng tạo, giao thông…
Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France cho biết, điểm tương đồng với Hà Nội và vùng là chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa là quan tâm hàng đầu trong các dự án xây dựng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Ile-de-France có kế hoạch hợp tác giúp cho Hà Nội nghiên cứu vấn đề này, công bố xuất bản hướng dẫn phát triển bền vững, chiến lược chính sách xử lý rác thải dự án cụ thể, xây những “khu chợ không rác” và có sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp.
Tham luận về việc hợp tác với Pháp trong lĩnh vực quy hoạch không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Dự án cải tạo, chỉnh trang không gian hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Diên Hồng đã đem lại một diện mạo mới cho quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến không gian này.
Với thành công của dự án, quận Hoàn Kiếm một lần nữa khẳng định đây là dự án kiểu mẫu, một mô hình kiểu mẫu với lối thiết kế mang tính đương đại, đảm bảo gìn giữ và phát huy được các giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của người dân Hà Nội. Vì vậy, với cách tiếp cận dự án này sẽ được quận Hoàn Kiếm nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong các dự án cải tạo, chỉnh trang các không gian công cộng khác trên địa bàn quận.
Tham luận với chủ đề hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa và áp dụng các công nghệ mới.
Viện trưởng Viện Quy hoạch và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Anh Vũ nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị dễ bị tổn hại nhất do biến đổi khí hậu và là một trong 20 thành phố có nguy cơ bị ngập cao nhất thế giới. Tuy nhiên, yếu tố phát triển bền vững chỉ đề cập chủ yếu dưới góc độ môi trường, các yếu tố xã hội chưa thực sự được chú trọng./.