ILO cảnh báo khủng hoảng việc làm nghiêm trọng do dịch COVID-19
Bãi biển Kuta trên đảo Bali (Indonesia) vắng bóng khách du lịch do dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
* WB cảnh báo tác động của dịch COVID-19 đối với an ninh lương thực
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 21/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và ngành sản xuất trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với ngành du lịch và sản xuất ôtô.
Trong cuộc họp báo tại Geneva, Giám đốc Cục các hoạt động ngành nghề của ILO, bà Alette van Leur cho rằng vấn đề việc làm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Theo dự báo, dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới trong một thời gian dài.
ILO nhấn mạnh cuộc khủng hoảng do COVID-19 đang tác động nặng nề đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, gây hậu quả lớn đối với cả ngành sản xuất lẫn việc làm trong tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo đối với việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly hiện nay, theo đó người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, ILO cũng công bố báo cáo về ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với giờ làm việc và thu nhập toàn cầu, nêu bật một số lĩnh vực và khu vực bị ảnh hưởng nhất, đồng thời phác thảo các chính sách nhằm giảm thiểu khủng hoảng.
Theo ILO, sự gia tăng thất nghiệp toàn cầu trong năm 2020 sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự phát triển trong tương lai và các biện pháp chính sách ứng phó.
Rất có nguy cơ con số cuối năm sẽ cao hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu của ILO là thế giới có thể mất 25 triệu việc làm do COVID-19.
81% trong lực lượng lao động toàn cầu là 3,3 tỉ người hiện bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc.
Cũng trong ngày 21/4, Giám đốc điều hành phụ trách chính sách phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Mari Pangestu cho rằng các nước nghèo nhất thế giới phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực do đại dịch COVID-19, sự sụt giảm nguồn thu ngoại hối, những hạn chế về xuất khẩu lương thực cũng như sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Nông nghiệp từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Mari Pangestu nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác toàn cầu để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và thiếu dinh dưỡng tại các nước dễ bị tổn thương nhất.
Bà Mari Pangestu cho rằng cần "nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và tránh các hàng rào nhập khẩu không cần thiết và tăng cường các kho dự trữ”.
Bà Mari Pangestu cũng cho biết thêm rằng việc sản xuất và dự trữ lúa gạo toàn cầu đang ở mức cao và việc đặt ra những hạn chế là không cần thiết.
Trong cuộc họp trực tuyến nói trên, Bộ trưởng An ninh Lương thực của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Mariam bint Mohammed Almheiri đã hối thúc các nước hợp tác để duy trì các chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn hoạt động của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Bộ trưởng Mohammed Almheiri nêu rõ: "Trách nhiệm của chúng ta là phải tuân thủ những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế có chuyên môn, bao gồm cả Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những tổ chức này đã khuyến cáo tránh việc hạn chế xuất khẩu lương thực".
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và lương thực các nước G20 cũng đã nhất trí rằng các biện pháp khẩn cấp nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19 không được tạo ra "những rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại cũng như phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu”.
Theo tuyên bố chung, bộ trưởng các nước G20 cũng cho biết sẽ tránh mọi biện pháp có thể dẫn tới sự bất ổn trầm trọng về giá lương thực trong các thị trường toàn cầu cũng như đe dọa tới chuỗi cung ứng lương thực.
Tuyên bố nêu rõ: "Dưới tình hình thách thức hiện nay, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh lãng phí lương thực gây ra do những trở ngại trong chuỗi cung ứng lương thực, tạo ra tình trạng thiếu an ninh lương thực, nguy cơ suy dinh dưỡng và tổn thất về kinh tế".
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)