Im lặng trước những việc sai cũng là vi phạm
Ngày chủ nhật vừa rồi tôi về quê chơi tình cờ gặp Bình, một người bạn từ thủa nhỏ. Tuy đã hơn 50 tuổi và có thâm niên công tác gần 30 năm nhưng bạn vẫn chỉ là một đảng viên, công chức bình thường, không giữ chức vụ lãnh đạo gì ở cơ quan. Qua trò chuyện được biết cơ quan bạn vừa có biến cố, một số đồng chí lãnh đạo cơ quan bị xem xét kỷ luật thông qua kiểm tra của ủy ban kiểm tra Đảng ủy cấp trên.
Sau khi trò chuyện trên trời dưới biển, Bình than thở rằng lãnh đạo cơ quan luôn thiên vị, ưu ái cho vài người thân quen “cánh hẩu”. Những việc “có màu mỡ”, thuận lợi thì giao cho người thân quen. Với những người không cùng ê kíp như Bình luôn bị để ý, sểnh một tý ra là bị nhắc nhở. Biết là lãnh đạo có một số việc làm sai trái, vi phạm Điều lệ, kỷ luật Đảng và quy chế làm việc của cơ quan nhưng chính Bình cũng không dám lên tiếng tham gia góp ý. Đã mấy lần sinh hoạt chi bộ Bình định góp ý xong nghĩ lại sợ bị trù dập nên thôi, đành im lặng cho qua.
Bình bảo, thôi mình làm công ăn lương, sắp đến tuổi về nghỉ hưu rồi cứ bình bình mà sống và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ theo đúng chức trách của mình, còn mọi việc “kệ” tất. Đã có một vài lần sinh hoạt chi bộ kiểm điểm đảng viên cuối năm có người góp ý cho mình nên mạnh dạn tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, nhưng mình nghĩ cho cùng có tham gia, góp ý cũng khó thay đổi, vả lại lãnh đạo để ý mình nên cứ im lặng lại được yên thân. Ở cơ quan, một số người còn gọi mình là “Bình kệ”.
Nghe xong tôi hiểu tâm lý Bình nhưng vẫn góp ý với bạn rằng: Là đảng viên, việc quan trọng của người đảng viên là tinh thần đấu tranh tự phê bình, phê bình trước những việc làm sai trái, không đúng với điều lệ, kỷ luật Đảng và Quy định những điều đảng viên không được làm; đồng thời bảo vệ những việc làm đúng, người tốt; không nên có tư tưởng “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, hay kiểu “ngậm miệng ăn tiền”; không ảnh hưởng gì đến nồi cơm, manh áo của ta thì ta mặc kệ. Nếu tế nhị mình gặp riêng góp ý, không nghe, không chỉnh sửa, không thay đổi thì sinh hoạt chi bộ mình phê bình, nhắc nhở. Còn nếu không thay đổi nữa có thể báo cáo tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra Đảng có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh. Lúc phê bình người ta có thể chưa nhận ra nhưng lẽ phải và sự công bằng mãi là chân lý, được nhiều người ủng hộ, đồng tình. Và sớm hay muộn họ cũng sẽ nhận ra khuyết điểm, sai trái mà họ gây nên. Nếu bạn mạnh dạn dám nói, dám đấu tranh với các biểu hiện sai trái sớm hơn thì chưa chắc đã mất cán bộ, tổ chức Đảng nơi bạn công tác cũng sẽ không bị kỷ luật, bị suy giảm uy tín, niềm tin của đảng viên và quần chúng. Dám nói cũng là một trong “6 dám” mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/im-lang-truoc-nhung-viec-sai-cung-la-vi-pham-211154.htm