Imexpharm có gì hấp dẫn mà chaebol Hàn Quốc liên tục rót vốn?
Hiện Imexpharm đứng đầu thị trường kháng sinh với 9% thị phần. Ông lớn này cũng là đối tác sản xuất của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Pharmascience Canada, Sanofi – Aventis.
Sự hiện diện của SK Group tại Imexpharm
SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc, chỉ sau Samsung và Hyundai. Đây là một trong những tập đoàn Hàn Quốc có mức chi lớn nhất trong các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.
Danh mục đầu tư tỷ USD tại Việt Nam của SK Group có thể kể đến như việc sở hữu 5,97% vốn điều lệ Tập đoàn Vingroup, tương ứng gần 231,5 triệu cổ phiếu VIC. Một khoản đầu tư khác của SK Group là việc chi 11.000 tỷ đồng để sở hữu gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Tập đoàn Masan. Tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), SK Group cũng có mặt trong danh sách cổ đông với tỉ lệ sở hữu 5,23% vốn.
Trong lĩnh vực dược phẩm, công ty thành viên của SK Group còn đầu tư vào cổ phiếu IMP của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Quay trở lại năm 2020, nhóm cổ đông lớn Dragon Capital cùng các quỹ ngoại khác quyết định thoái vốn khỏi Imexpharm sau nhiều năm đồng hành.
SK Investment Vina III Pte.Ltd - một quỹ thuộc SK Group, với lợi thế khi được chấp thuận không cần chào mua công khai, đã mua vào hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương ứng tỉ lệ 24,94% từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead và Mirae Asset, rồi chễm chệ ngồi ghế cổ đông lớn.
Giao dịch này được thực hiện qua VSD, mức giá cụ thể không được công bố. Tuy nhiên, tạm tính theo thị giá IMP khoảng 54.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đó, ước tính giá trị thương vụ này khoảng 666 tỷ đồng (29 triệu USD).
Sau khi ngồi ghế cổ đông lớn, SK vẫn liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu. Tháng 4/2021, Imexpharm đã thông báo về việc miễn thủ tục chào mua công khai cho SK Group khi nhận chuyển nhượng hơn 3,4 triệu cổ phiếu IMP, tương ứng 5,18% vốn công ty từ các quỹ khác thuộc Dragon Capital, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu lên 29,22%. Thời điểm này giá cổ phiếu IMP đã tăng lên vùng 74.000 đồng/cổ phiếu.
Không ngừng “thu gom”, tháng 2/2022 SK Group tiếp tục nhận chuyển nhượng 11,4 triệu cổ phiếu IMP, nâng tỉ lệ sở hữu lên 46,47%. Thời điểm đó, giá cổ phiếu IMP giao dịch quanh mức 77.000 đồng/cổ phiếu. Hiện SK Group đang sở hữu gần 50 triệu cổ phiếu IMP, tương ứng 64,8% vốn điều lệ Imexpharm.
Ngoài các quỹ thuộc SK Group, CTCP Đầu tư Bình Minh Kim cũng được giới thiệu là công ty liên quan của SK Group. Hiện Đầu tư Bình Minh Kim nắm giữ 9,75% vốn điều lệ tại Imexpharm.
Imexpharm có gì hấp dẫn?
Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm tiền thân là Công ty Dược cấp II tại Đồng Tháp, được thành lập năm 1997. Đến năm 1983, công ty đã đổi tên thành Xí nghiệp liên dược Đồng Tháp.
Năm 1977, nhà máy Non Betalactam ra đời với số vốn đầu tư 19 tỷ đồng, đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước có nhà máy đạt chuẩn GMP - Asean. Không chỉ tự sản xuất, nhà máy còn ký kết hợp tác sản xuất nhượng quyền cho tập đoàn Biochemie của Áo.
Công ty có thêm “đầu tiên” khác vào năm 1999, khi hoàn tất xây dựng nhà máy Penicillin với vốn đầu tư 18 tỷ đồng. Tới năm 2002, công ty nâng cấp 2 nhà máy Penicilin và Non – Betalactam lên chuẩn WHO-GMP.
Năm 2006, Imexpharm trở thành doanh nghiệp dược đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán với mức vốn điều lệ 84 tỷ đồng.
Đánh dấu lần đầu đưa sản phẩm ra nước ngoài, năm 2017 sản phẩm thuốc tiêm Imetoxim 1g đã được xuất khẩu sang Châu Âu. Sản phẩm tiếp theo được công ty cho “xuất ngoại” như cefalexin 500mg viên nang cứng.
Sau 47 năm, hiện Imexpharm đang sở hữu 4 cụm nhà máy tại Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong đó có 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP với tổng cộng 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP.
Ngoài ra, Imexpharm cũng trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Pharmascience Canada, Sanofi – Aventis…
Theo báo cáo thường niên 2023, Imexpharm đứng đầu thị trường kháng sinh với 9% thị phần, doanh số đạt khoảng 2.157 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Công ty đang có kế hoạch duy trì và củng cố thị phần này thông qua việc tập trung nguồn lực và năng lực sản xuất tại các nhà máy đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn EU-GMP, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu.
Bức tranh kinh doanh sau khi vào tay "ông lớn"
Những năm trước đó, dưới sự hiện diện của nhóm quỹ ngoại, mà lớn nhất là nhóm Dragon Capital, Imexpharm cũng có những thành quả đáng kể, doanh thu và lợi nhuận tăng trung bình khoảng 15%/năm. Đáng nhớ nhất là vào năm 2016, lần đầu doanh thu của Imexpharm vượt nghìn tỷ, lợi nhuận cũng chạm mốc trăm tỷ đồng.
Ngay năm đầu tiên là 2020 có sự đồng hành của SK Group, Imexpharm đã báo lợi nhuận tăng tới 30% so với cùng kỳ lên 209,7 tỷ đồng, song doanh thu lại giảm nhẹ 2% về 1.369 tỷ đồng.
Dù vậy sang năm 2021, lợi nhuận công ty đã “hụt” 10% xuống 189 tỷ đồng, doanh thu cũng giảm 8% về 1.266,6 tỷ đồng. Hai năm sau đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty đều cao kỷ lục. Nổi bật là năm 2023 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu 1.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng.
Nhưng cũng phải chú ý, trong năm 2022 và 2023, ngành sản xuất dược phẩm chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội khi dịch bệnh xảy ra, nhận thức của người dân đối với sức khỏe ngày càng cao, đặc biệt là sau đại dịch. Song song đó, mức thu nhập của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Vì vậy việc chi tiêu cho những nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn so với trước đây.
Bước sang nửa đầu năm 2024, lợi nhuận của Imexpharm giảm 19% xuống 128 tỷ đồng, song doanh thu thuần tăng 10% lên 1.008 tỷ đồng.
Giải trình về biến động này, ban lãnh đạo Imexpharm cho biết, lợi nhuận giảm do biến động giá nguyên liệu đầu vào, giảm sản lượng sản xuất tại nhà máy IMP 1 do thị trường OTC tăng trưởng chậm và nhà máy IMP 4 chính thức đi vào hoạt động (từ quý III/2023) kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng.
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Imexpharm chạm mốc 2.505 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có 258,5 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng 30% so với đầu năm.
Giá trị hàng tồn kho tăng nhẹ lên 713 tỷ đồng; chủ yếu là nguyên vật liệu với gần 440 tỷ đồng và hơn 212 tỷ đồng thành phẩm.
Thời điểm cuối quý II/2023, Imexpharm có 427,3 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 39% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 96,4 tỷ đồng, đây là khoản vay Ngân hàng Shinhan Bank.
Đồng hành cùng Imexpharm và ghi nhận sự tăng trưởng, SK Group cũng hưởng lợi không ít. Vào năm 2020, SK Group nhận 18,5 tỷ đồng cổ tức; năm 2021 nhận 23,6 tỷ đồng; năm 2022 nhận khoảng 46 tỷ đồng cổ tức và năm 2023 nhận khoảng 32 tỷ đồng.