IMF: Các nước cần tăng hạn ngạch đóng góp tài chính trước cuối năm 2023
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 10/9 nhấn mạnh cần phải tăng nguồn hạn ngạch tài chính cho tổ chức này trước cuối năm 2023.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 10/9 nhấn mạnh cần phải tăng nguồn hạn ngạch tài chính cho tổ chức này trước cuối năm 2023, đồng thời lên tiếng thúc giục các thành viên của khối Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện cam kết cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu.
Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi, Ấn Độ kéo dài từ ngày 9–10/9, các nước thuộc nhóm G20 đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề nợ nần ở các nước thu nhập thấp và trung bình “một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống”. Nhưng tuyên bố lại không đưa ra kế hoạch hành động mới nào.
Bà Georgieva cho biết trong một tuyên bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày cuối tuần rằng, các thành viên G20 phải làm gương trong việc thực hiện lời hứa cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các dự án tài chính khí hậu, được hỗ trợ bằng cách củng cố hoạt động của các ngân hàng phát triển đa phương.
Người đứng đầu IMF còn nhấn mạnh các quốc gia cũng cần huy động nguồn lực trong nước để tài trợ và quản lý quá trình chuyển đổi xanh thông qua cải cách chính sách thuế, tăng hiệu quả cho chi tiêu công, củng cố thể chế tài chính và phát triển thị trường nợ trong nước theo chiều sâu.
Bà kêu gọi G20 tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Theo bà, để giúp nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và kiên cường hơn trong một thế giới dễ chịu tổn thương, các nước cần phải đạt được thỏa thuận tăng nguồn lực đóng góp theo hạn ngạch cho IMF trước cuối năm nay.
Bà nói thêm, một hiệp ước như vậy sẽ đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho những nỗ lực hỗ trợ tài chính không lãi suất của IMF dành cho các nước nghèo nhất thông qua Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo của tổ chức này.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên G20 cũng cam kết tăng cường sức mạnh và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời chấp nhận đề xuất quản lý tiền điện tử chặt chẽ hơn trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc Georgieva cũng cho rằng các nước còn nhiều việc phải làm trong giai đoạn tiếp theo, bao gồm cả lĩnh vực tiền kỹ thuật số và tài sản tiền điện tử./.