IMF đưa ra tư vấn về những vấn đề đáng quan tâm trong kiểm toán nội bộ ngân hàng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tư vấn các giải pháp về kiểm toán nội bộ trên cơ sở đánh giá rủi ro.

Đây là nội dung trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật của IMF cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu chính trong các nội dung tư vấn lần này là các khuyến nghị của IMF về nâng cao năng lực triển khai việc thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro theo chuẩn mực của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ IIA (The Institute of Internal Auditors).

Kiểm toán nội bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và cảnh báo rủi ro. Ảnh: T.L

Kiểm toán nội bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và cảnh báo rủi ro. Ảnh: T.L

Thông tư về kiểm toán độc lập ngân hàng sắp có hiệu lực Chuyên gia dự báo lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát

Theo chuyên gia IMF, các nội dung đáng quan tâm là việc đánh giá hiệu quả chức năng giám sát của kiểm toán nội bộ; đánh giá quy chế kiểm toán; đánh giá quy trình xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm trong mối liên hệ với việc đánh giá rủi ro để triển khai thực hiện kiểm toán trong phạm vi tổng thể; đánh giá báo cáo kiểm toán và quy trình theo dõi việc thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán.

Một số nội dung khác được chuyên gia IMF lưu ý trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán nội bộ là đánh giá tính khả thi của việc triển khai chương trình đảm bảo chất lượng kiểm toán; đưa ra phương hướng để giải quyết các vấn đề còn chưa tuân thủ Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn về kiểm toán nội bộ (International Professional Practices Framework (IPPF) của IIA).

Theo đó, IMF cũng đã đưa ra các khuyến nghị liên quan để Ngân hàng Nhà nước dùng làm cơ sở xây dựng một kế hoạch chuyển đổi sang kiểm toán nội bộ, trên cơ sở đánh giá rủi ro theo như Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ IIA quy định.

Khuyến nghị thực hiện theo các giai đoạn

Các khuyến nghị để chuyển đổi kiểm toán nội bộ có thể thực hiện thông qua lộ trình gồm 4 giai đoạn, trong đó đã đề xuất những hành động cụ thể theo từng mốc thời gian. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc thực hiện theo lộ trình cũng cần cân nhắc về thời gian thực hiện cho phù hợp với thực tế, cơ sở pháp lý, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực... hiện có.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/imf-dua-ra-tu-van-ve-nhung-van-de-dang-quan-tam-trong-kiem-toan-noi-bo-ngan-hang-111059.html