IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp nhất 10 năm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm 2019, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Định chế này cũng nhấn thêm rằng, triển vọng có thể xấu đi đáng kể nếu căng thẳng thương mại vẫn chưa được giải quyết.

Tăng trưởng chậm lại

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố hôm thứ Ba (15/10), IMF một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7 và thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Đặc biệt rủi ro suy giảm là khá lớn với nhiều rủi ro, bao gồm căng thẳng thương mại tồi tệ hơn, sự gián đoạn liên quan đến Brexit và lo ngại rủi ro đột ngột gia tăng trên thị trường tài chính.

Chiến tranh thương mại đang cản trở thương mại và đầu tư toàn cầu

Chiến tranh thương mại đang cản trở thương mại và đầu tư toàn cầu

Với các nền kinh tế phát triển, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống còn 1,7% từ mức 1,9% của dự báo tháng 7; tuy nhiên dự báo tăng trưởng năm 2020 vẫn được giữ nguyên ở mức 1,7%. Trong đó, kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn 0,2 điểm so với dự báo tháng 7; nhưng dự báo tăng trưởng năm 2020 lại cao hơn 2 điểm, ở mức 2,1%.

Đặc biệt, cuộc chiến thuế quan leo thang là nguyên nhân khiến IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm 2020, thấp hơn lần lượt là 0,1 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7.

Các dự báo cho thấy một viễn cảnh ảm đạm ngay trước thềm Hội nghị thường niên mùa thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra tại Washington trong tuần này, Hội nghị mà tân Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề, từ đình trệ thương mại đến phản ứng chính trị ở một số quốc gia mới nổi đang vật lộn với chương trình thắt lưng buộc bụng.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới nêu rõ những khó khăn kinh tế do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra, bao gồm những tác động trực tiếp, bất ổn thị trường, giảm đầu tư và năng suất thấp hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

IMF cho biết, đến năm 2020 các mức thuế quan đã được công bố sẽ làm giảm 0,8% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tổng giám đốc IMF Georgieva cho biết tuần trước rằng, điều đó có nghĩa kinh tế toàn cầu sẽ bị mất đi 700 tỷ USD, tương đương với quy mô kinh tế của Thụy Sĩ.

Hợp tác tháo gỡ rào cản thương mại

“Sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do sự suy giảm mạnh trong hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, với mức thuế cao hơn và sự bất ổn trong chính sách thương mại kéo dài đã gây tổn thương cho đầu tư và nhu cầu đối với hàng hóa nguyên liệu”, Gita Gopinath - Nhà kinh tế trưởng của IMF nói.

Thậm chí những tác động tiêu cực bắt đầu lan sang lĩnh vực dịch vụ. Theo đó, mặc dù các lĩnh vực dịch vụ vẫn còn mạnh trên khắp thế giới, nhưng có một số dấu hiệu suy yếu đối với lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ và châu Âu, Gopinath nói.

IMF cho biết, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nền kinh tế tiên tiến đột ngột đảo chiều vào năm 2018 sau khi tăng trong những năm trước đó lên trung bình hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hàng năm - tương đương hơn 1,8 nghìn tỷ USD. Theo đó, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giảm còn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2018 phản ánh hoạt động tài chính của các tập đoàn đa quốc gia lớn, bao gồm cả việc đáp ứng với những thay đổi trong luật thuế của Mỹ.

Trong khi tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ đạt 1% trong nửa đầu năm 2019, mức yếu nhất kể từ năm 2012, bị đè nặng bởi mức thuế cao hơn và sự không chắc chắn kéo dài về chính sách thương mại, cũng như sự sụt giảm trong ngành công nghiệp ôtô.

Sau khi mở rộng 3,6% trong năm 2018, IMF hiện dự báo khối lượng thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,1% trong năm 2019, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7 và thấp hơn 2,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4.

Tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ tăng trở lại lên 3,2% vào năm 2020, tuy nhiên rủi ro vẫn nghiêng mạnh về phía suy giảm, theo IMF, với một lực cản đáng kể đối với cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

“Để làm hồi sinh tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách cần phải tháo gỡ các rào cản thương mại được đưa ra với các thỏa thuận bền vững, kiềm chế căng thẳng địa chính trị và giảm bớt sự không chắc chắn của chính sách trong nước”, Gita Gopinath - Nhà kinh tế trưởng của IMF nói.

Đặc biệt chuyên gia kinh tế của IMF tỏ ra rất thận trọng với tuyên bố cuối tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Mỹ với Trung Quốc, nói rằng cần có thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận tạm thời này.

“Với mức tăng trưởng 3%, không có chỗ cho những sai lầm chính sách và yêu cầu cấp thiết đối với các nhà hoạch định chính sách là phải hợp tác để giảm căng thẳng thương mại và địa chính trị”, IMF khuyến nghị và cảnh báo: “Sự leo thang hơn nữa căng thẳng thương mại và sự gia tăng liên quan đến sự không chắc chắn của chính sách có thể làm suy yếu sự tăng trưởng so với dự báo cơ sở”.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/imf-ha-du-bao-tang-truong-toan-cau-xuong-thap-nhat-10-nam-93488.html