IMF: Mức độ bất ổn của dịch COVID-19 cao gấp nhiều lần
Một chỉ số mới đo lường mức độ bất ổn toàn cầu liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Một bài viết đăng trên trang blog của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết, một chỉ số mới đo lường mức độ bất ổn toàn cầu liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Cụ thể, chỉ số này có tên Chỉ số mức độ bất ổn về đại dịch thế giới (WPUI) do 2 quan chức tại Phòng nghiên cứu của IMF là ông Hites Ahir và ông Davide Furceri kết hợp với Giáo sư chuyên ngành kinh tế Nicholas Bloom tại Đại học Stanford tổng hợp.
Mục tiêu của chỉ số trên là để định lượng sự không chắc chắn liên quan đến cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, so sánh nó với các đại dịch và dịch bệnh trước đó.
Số liệu của WPUI được dựa trên thống kê từ 143 quốc gia bắt đầu từ năm 1996.
Theo bài viết, tính đến ngày 31/3 vừa qua, WPUI của dịch COVID-19 đã lớn gấp ba lần mức độ bất ổn ghi nhận trong đại dịch SARS hồi năm 2002 -2003 và khoảng 20 lần so với dịch Ebola.
Các nhà nghiên cứu lưu ý mức độ không chắc chắn xung quanh dịch COVID-19 dự kiến sẽ vẫn khá cao khi số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng và vẫn chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc. Họ cũng cảnh báo rằng trong lịch sử, những giai đoạn bất ổn ở mức cao thường trùng với thời kỳ tăng trưởng kinh tế thấp hơn và điều kiện tài chính chặt chẽ hơn.
Trong bài viết, các tác giả nhấn mạnh việc tăng cường các hành động phối hợp giữa các quốc gia sẽ là chìa khóa để củng cố lòng tin và mang lại sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.
Những thông tin trên được đưa ra khi theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới đã vượt quá 1,14 triệu người, trong đó hơn 60.000 ca đã tử vong.
Trước đó, Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva đã phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng thế giới đang trải qua một “cuộc khủng hoảng kép" - cả về sức khỏe lẫn kinh tế - do dịch COVID-19 gây ra. Đây là cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có trong lịch sử IMF.
Bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
Hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch.
IMF và WHO kêu gọi sử dụng viện trợ khẩn cấp chủ yếu để tăng cường các hệ thống y tế, trả lương cho y, bác sỹ và để mua thiết bị bảo hộ.
Bà Georgieva cho biết IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần./.