IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 và 2024
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 7/11 đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của Trung Quốc lên 5,4% từ mức 5% được đưa ra trước đó, nhờ kết quả hoạt động tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, IMF vẫn dự đoán nền kinh tế nước này sẽ chậm lại trong năm tới.
Trong một thông cáo báo chí, IMF cho biết tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 4,6% vào năm 2024 do lĩnh vực bất động sản của nước này tiếp tục yếu kém và nhu cầu bên ngoài suy yếu, mặc dù mức dự báo 4,6% này vẫn cao hơn so với kỳ vọng 4,2% được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) hồi tháng 10 của IMF.
Việc điều chỉnh tăng của IMF diễn ra sau quyết định phê duyệt phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) của chính phủ Trung Quốc và cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath cho biết: “Những dự báo này phản ánh mức điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm trong cả năm 2023 và 2024 so với dự báo của WEO vào tháng 10, nhờ kết quả kinh doanh quý III/2023 tăng cao hơn dự kiến và các thông báo chính sách được đưa ra gần đây”.
Theo bà Gopinath, lạm phát cơ bản được dự báo sẽ tăng lên 2,1% vào cuối năm 2024 khi khoảng cách sản lượng tiếp tục thu hẹp. Trong trung hạn, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm dần xuống còn khoảng 3,5% vào năm 2028 trong bối cảnh năng suất yếu và dân số già hóa.
Mặc dù Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng bà Gopinath cho rằng vẫn cần nhiều động thái hơn nữa để đảm bảo sự phục hồi nhanh hơn và giảm chi phí kinh tế trong quá trình chuyển đổi.
Bà Gopinath cũng khuyến nghị gói chính sách toàn diện nên bao gồm các biện pháp đẩy nhanh sự rút lui của các nhà phát triển bất động sản không khả thi, loại bỏ các trở ngại trong việc điều chỉnh giá nhà đất, phân bổ thêm nguồn vốn của chính phủ trung ương để hoàn thiện nhà ở và hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản khả thi sửa chữa bảng cân đối kế toán và thích ứng với thị trường bất động sản nhỏ hơn.
Trong năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hoạt động kém hơn các đối thủ do lo ngại về lĩnh vực bất động sản và sự phục hồi chậm chạp của đất nước sau đại dịch COVID-19. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 1% trong năm nay và chỉ số Hang Seng đã giảm 10%.
Theo IMF, Chính phủ Trung Quốc nên triển khai cải cách khung tài chính phối hợp và tái cơ cấu bảng cân đối kế toán để giải quyết các căng thẳng về nợ, bao gồm thu hẹp khoảng cách tài chính của chính quyền địa phương và kiểm soát dòng nợ, cũng như xây dựng chiến lược tái cơ cấu toàn diện để giảm mức nợ của các của chính quyền địa phương.
Ngoài ra, với những cơn gió ngược như dân số già đi, lợi tức đầu tư giảm dần và sự phân mảnh địa kinh tế có khả năng hạn chế triển vọng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc, các cải cách cơ cấu trên diện rộng và theo hướng thị trường nhằm thúc đẩy năng suất, hỗ trợ tái cân bằng… sẽ giúp hỗ trợ các động cơ tăng trưởng mới và thúc đẩy tăng trưởng xanh, toàn diện và cân bằng hơn.
IMF cũng nêu rõ vai lãnh đạo ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, như khủng hoảng khí hậu và nợ nần, là rất quan trọng không chỉ đối với riêng nước này mà với cả thế giới. Vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ tái cơ cấu nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương rất được hoan nghênh và cần tiếp tục được thúc đẩy để giảm nợ kịp thời cho các nước đó, IMF nhấn mạnh.