IMF: Phá giá tiền tệ không phải là giải pháp
Các nhà kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo các nước không nên phụ thuộc quá nhiều vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi tiền tệ không phải là 'cây đũa thần' để hồi sinh nền kinh tế.
Phá giá tiền tệ không có nhiều hiệu quả
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại khá nhanh và lạm phát thấp, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đầy để thúc đẩy nền kinh tế của họ, trong khi một số khác, chẳng hạn như NHTW châu Âu (ECB), dự kiến sẽ có động thái tương tự vào cuối năm nay. Họ kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vay mượn, qua đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu và đầu tư nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong một blog được xuất bản hôm thứ Tư tuần trước (21/8), các nhà kinh tế cấp cao của IMF bao gồm Gita Gopinath, Luis Cubeddu và Gustavo Adler đã cảnh báo rằng, làn sóng nới lỏng tiền tệ trong thời gian gần đây, từ cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi, đã làm dấy lên nỗi lo về chính sách “bần cùng hóa láng giềng” (beggar-thy-neighbor một thuật ngữ đề cập đến các chính sách thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho quốc gia ban hành nó, nhưng lại gây tổn hại cho các nước láng giềng hoặc đối tác thương mại), từ đó có thể khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ.
Theo đó, IMF bày tỏ lo ngại việc nhiều quốc gia làm suy yếu tỷ giá hối đoái. Bởi việc giảm giá đồng nội tệ sẽ làm cho xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn và làm giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác do giá những hàng hóa này tăng cao hơn, một hiệu ứng được gọi là “chuyển đổi chi tiêu”.
Trên thực tế, phá giá tiền tệ đã trở thành tâm điểm của căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay. Đầu tháng này, Mỹ đã chính thức gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Trong khi vào tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ trích Chủ tịch ECB Mario Draghi vì những bình luận của ông đã khiến đồng euro giảm giá khá mạnh so với đồng đôla.
“Tuy nhiên, người ta không nên kỳ vọng quá nhiều rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể làm suy yếu đồng tiền của một quốc gia đủ để mang lại sự cải thiện lâu dài trong cán cân thương mại thông qua chuyển đổi chi tiêu”, IMF cảnh báo. Bởi chỉ mình chính sách tiền tệ không có khả năng gây ra “sự mất giá lớn và liên tục”, điều bắt buộc phải có để đạt được sự cải thiện lâu dài của cán cân thương mại, các nhà kinh tế của IMF kết luận và nhấn mạnh rằng: Tác động chuyển đổi chi tiêu của sự phá giá tiền tệ nói chung là rất nhỏ.
Theo tính toán của các nhà kinh tế này, việc phá giá tiền tệ 10% chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại của một quốc gia khoảng 0,3% GDP trong thời gian 12 tháng, chủ yếu thông qua hoạt động nhập khẩu. Trong vòng 3 năm, mức độ cải thiện mới tăng lên 1,2% GDP khi xuất khẩu bắt đầu phản ứng mạnh hơn với biến động tỷ giá, mặc dù vậy “hiệu ứng chuyển đổi chi tiêu đầy đủ vẫn còn khá khiêm tốn”.
Thuế quan phản tác dụng
Báo cáo của IMF cũng đề cập đến các lựa chọn chính sách được xem là phản tác dụng mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra để giảm thiểu những tác động bất lợi do đồng nội tệ tăng giá, chẳng hạn như áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia có đồng tiền được coi là bị định giá thấp.
Các nhà kinh tế của IMF nhấn mạnh rằng, thuế quan và tỷ giá hối đoái hoạt động rất khác nhau, chẳng hạn như việc áp thuế nhập khẩu 10% không thể bù lại mức tăng giá 10% của đồng nội tệ, lấy dẫn chứng từ những diễn biến gần đây trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Các nhà kinh tế này cho biết, từ đầu năm 2018, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng khoảng 10 điểm phần trăm và sẽ tăng thêm 5 điểm phần trăm nếu kế hoạch áp dụng thuế bổ sung công bố gần đây được thực hiện.
“Trong khi đó, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 10% so với đồng đôla Mỹ, phần lớn là do những hành động thương mại và sự không chắc chắn này - sự linh hoạt của đồng Nhân dân tệ đã cho phép nó trở thành bước đệm chống lại các cú sốc thương mại”, các nhà kinh tế của IMF cho biết.
Mặc dù nhiều người nghĩ rằng tác động của thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể được bù đắp bằng đồng đôla mạnh hơn sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, nhưng trên thực tế là các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu gánh nặng thuế quan này. “Lý do: Sự mạnh lên của đồng đôla Mỹ đến nay chỉ có tác động tối thiểu đến giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc do hóa đơn thanh toán đều bằng đồng đôla”, báo cáo bổ sung.
Thêm vào đó, các chuyên gia kinh tế của IMF cũng chỉ ra rằng, hàng rào thuế quan song phương khó có thể làm giảm sự mất cân bằng thương mại, thay vào đó nó chỉ chuyển sự mất cân bằng này sang nơi khác, trong khi lại gây hại cho tăng trưởng cả trong nước và toàn cầu bởi nó làm xói mòn niềm tin và làm suy giảm đầu tư, cũng như phá vỡ chuỗi cung ứng...
Chính vì thế các nhà kinh tế của IMF khuyến nghị, thay vì sử dụng thuế quan, các quốc gia thâm hụt như Mỹ và Anh nên đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách mà không phải hy sinh tăng trưởng, đồng thời cần tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp xuất khẩu. IMF cũng kêu gọi tất cả các nước thặng dư và thâm hụt nên tìm giải pháp lâu dài cho các tranh chấp thương mại hiện nay thay vì sử dụng thuế quan và phá giá tiền tệ.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/imf-pha-gia-tien-te-khong-phai-la-giai-phap-91419.html