IMF: Trung Đông sẽ tăng trưởng chậm lại do lạm phát
Các nền kinh tế trên khắp Trung Đông và Trung Á có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay do lạm phát cao liên tục và lãi suất tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau đại dịch của họ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo hôm 3.5.
Hạ thấp triển vọng kinh tế của khu vực Trung Đông, IMF chỉ ra một phần nguyên nhân là do chi phí năng lượng, cũng như giá lương thực tăng cao, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn ước tính. Báo cáo của IMF cho biết, trong khi các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của các quốc gia Ảrập vùng Vịnh và các quốc gia khác trong khu vực đã gặt hái được lợi ích từ giá dầu thô tăng cao, thì các quốc gia khác - chẳng hạn như Pakistan - đã chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng sau trận lũ lụt chưa từng có vào mùa hè năm ngoái hoặc khi khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Sự suy giảm trong khu vực cũng xảy ra khi bùng nổ giao tranh ở Sudan, làm đảo lộn quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của quốc gia châu Phi này - đe dọa một quốc gia mà IMF và Ngân hàng Thế giới vẫn tiếp tục giảm nợ.
Chính sách duy trì lãi suất cao của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn lạm phát, đã làm tăng chi phí vay tiền. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia đang gánh những khoản nợ nặng nề hơn, IMF cảnh báo.
Báo cáo của IMF dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm từ 5,3% năm ngoái xuống 3,1% trong năm nay. Nhìn chung, lạm phát khu vực dự kiến sẽ ở mức 14,8%, không thay đổi so với năm ngoái, do cuộc chiến của Nga với Ukraine tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung lương thực toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường năng lượng.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Pakistan, nơi IMF dự báo lạm phát sẽ tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 27%. Các quan chức Pakistan và IMF đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán về việc giải ngân một đợt quan trọng của gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD cho Islamabad.
IMF cảnh báo rằng các điều kiện tài chính trên toàn thế giới sẽ càng bị siết chặt trong năm nay, một phần do hai vụ vỡ nợ ngân hàng ở Hoa Kỳ vào tháng 3 và sự sụp đổ đột ngột của Credit Suisse trước khi được UBS mua lại cũng khiến thị trường căng thẳng.