IMF và WB cam kết cung cấp tài chính khẩn cấp hàng tỷ USD hỗ trợ các nước ứng phó COVID-19
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/3 cam kết dành gói tài chính khẩn cấp hàng chục tỷ USD để cung cấp cho các quốc gia thành viên có thể cần hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh trên khắp thế giới, đồng thời nhấn mạnh cần giúp những nước dễ bị tổn hại nhất.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch WB David Malpass cùng ngày, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ 1/3 số thành viên của IMF bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, và đây không còn là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi phải có ứng phó toàn cầu.
Theo bà Georgieva, hiện IMF đã dành khoảng 50 tỷ USD thông qua các cơ chế cung cấp tài chính khẩn cấp giải ngân nhanh đối với các nước có thu nhập thấp hoặc là thị trường mới nổi, trong đó 10 tỷ USD dành để hỗ trợ không lãi suất cho những nước nghèo nhất. Người đứng đầu IMF nêu rõ: "Thách thức lớn nhất đối với chúng ta hiện nay là xử lý tình huống không chắc chắn. Chúng ta biết rằng dịch bệnh COVID-19 cuối cùng sẽ bị đẩy lùi, song không biết điều đó sẽ diễn ra nhanh hay chậm".
Bà Georgieva cho rằng tình hình hiện nay "đặc biệt thách thức các nước có hệ thống y tế và năng lực ứng phó yếu kém", theo đó bà kêu gọi một cơ chế phối hợp toàn cầu để ứng phó.
Trong khi đó, WB công bố sẽ cung cấp gói tài chính ban đầu trị giá 12 tỷ USD để "hỗ trợ ngay lập tức" các nước đang phải đối phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe do dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: "Những gì WB đang làm là phối hợp nhằm phản ứng linh hoạt và nhanh chóng dựa trên nhu cầu của các nước đang phát triển". Sự hỗ trợ sẽ bao gồm cả cung cấp tài chính khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, trong đó đặc biệt ưu tiên các nước nghèo nhất cũng như các nước năng lực yếu kém và có nguy cơ cao bị tổn hại.
Liên quan dịch COVID-19, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết dịch bệnh đang gây gián đoạn hoạt động đi lại và khả năng tiếp cận hàng hóa đối với ngành công nghiệp Mỹ, và các doanh nghiệp trên cả nước Mỹ đã được khuyến cáo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Theo báo cáo khảo sát của FED, trong khi hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng ở mức độ khiêm tốn trong những tuần qua, triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh hơn. Báo cáo nhấn mạnh "các nhà sản xuất lo ngại sự gián đoạn này sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần tới".
Cùng ngày, Hiệp hội Du lịch Mỹ dự đoán hoạt động du lịch quốc tế đến Mỹ sẽ giảm 6% trong 3 tháng tới trước những lo ngại ngày càng gia tăng về dịch COVID-19. Theo cơ quan trên, con số dự đoán này là mức giảm lớn nhất trong hoạt động du lịch quốc tế đến Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008.
Trước đó, các hãng hàng không Mỹ đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 4 tới, đồng thời giảm số chuyến bay đến châu Á và châu Âu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm nhập cảnh Mỹ đối với gần như tất cả những người không phải công dân Mỹ gần đây đã đến Trung Quốc hoặc Iran. Nhiều lễ hội lớn vốn thu hút nhiều du khách quốc tế cũng đã bị hủy.
Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết ông có thể ban hành thêm các biện pháp đối với hoạt động đi lại đến các "điểm nóng" dịch bệnh, nhưng không cho biết chi tiết. Hãng hàng không United Airlines thông báo sẽ miễn phí thay đổi đặt chỗ, cả trong nước và quốc tế, đến hết ngày 31/3. Khách hàng hủy chuyến vẫn được giữ nguyên tiền để mua vé mới cho các chuyến bay trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành vé ban đầu mà không mất phí.