Indonesia: Bi kịch chết người vì dầu ăn
Tình trạng thiếu dầu ăn tại Indonesia đã trở nên chết chóc sau cái chết của 2 người dân tại tỉnh East Kalimantan, đảo Borneo.
Những bi kịch này xảy ra bất chấp khu vực East Kalimantan là 1 trong những nơi sản xuất dầu cọ thô (CPO) và dầu cọ tươi lớn nhất Indonesia.
Theo tờ South China Morning Post, vào ngày 19-3, một người phụ nữ tên Sandra (41 tuổi) đã ngất xỉu sau khi xếp hàng hơn 1 giờ dưới trời nắng để chờ siêu thị nhỏ ở địa phương mở cửa. Sau đó, bà tử vong trong xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện vì bệnh hen suyễn.
Trước đó, vào ngày 15-3, một người phụ nữ 49 tuổi tên Rita Riyani cũng tử vong sau khi nằm trong khu chăm sóc tích cực 2 ngày. Ông Andika Dharma Sena, người đứng đầu Đơn vị Điều tra Hình sự của Cảnh sát Samarinda, cho biết có thể bà Riyani kiệt sức vì xếp hàng ở 3 siêu thị khác nhau để mua dầu ăn.
"Nạn nhân cảm thấy đau và chuột rút ở tay nên gọi cho chồng. Sau đó, bà bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện" - ông Sena nói với truyền thông địa phương sau tin tức về cái chết của bà Riyani.
Indonesia đã bị ảnh hưởng bởi cơn khủng hoảng dầu cọ suốt nhiều tháng khi giá CPO tăng 40% kể từ đầu năm nay do giá toàn cầu tăng cao vì nhiều yếu tố.
Các yếu tố này bao gồm sự kiện Nga tấn công Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt các loại dầu khác như dầu hướng dương và dầu hạt cải. Thêm vào đó, các nước sản xuất dầu cọ khác như Malaysia cũng có mục tiêu sản xuất thấp đáng kể.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Indonesia đã giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 lít dầu ăn. Một số khách hàng như bà Riyani đã tích trữ dầu ăn vì lo sợ nguồn cung ít ỏi tiếp tục cạn kiệt hoặc mua rồi bán lại cho những người đang cần loại vàng lỏng này.
Vào ngày 17-3, hàng người tiếp tục kéo dài bên ngoài các siêu thị nhỏ ở Kalimantan. Một cư dân địa phương nói với This Week in Asia rằng đây là lần thứ 2 bà phải xếp hàng để mua hàng hóa cơ bản trong những tuần gần đây.
"Chúng tôi không muốn tiếp tục xếp hàng như thế này và mong giá cả sẽ trở lại bình thường" - người này cho biết. Bà tiết lộ rằng bà phải mang theo bản sao thẻ căn cước và thẻ gia đình khi đi siêu thị. Một số cửa hàng đã bắt đầu đăng ký thông tin của khách hàng để đảm bảo họ không quay lại mua thêm dầu ăn và tuân theo quy định 2 lít.
Giám đốc Diễn đàn Indonesia về Môi trường ở East Kalimantan, bà Yohana Tiko, cho biết tình hình này rất đáng tiếc khi Indonesia, và Kalimantan nói riêng, là nhà xuất khẩu dầu ăn lớn nhất trên thế giới.
Theo bà Tiko, CPO được sản xuất tại Indonesia vượt quá nhu cầu trong nước, tức lượng dầu ăn ở Indonesia sẽ dư thừa. Nhưng vì Indonesia chỉ sản xuất CPO và trái cây tươi nên phần lớn công việc chế biến nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân, những người chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. "Đây là lời cảnh báo cho chính phủ để quản lý tình hình và không chỉ xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ" - bà Tiko cho biết.