Indonesia cảnh báo việc mua thuốc chữa Covid-19 theo tin đồn

Khi biến thể Delta lây lan nhanh tại Indonesia, nhiều người tìm kiếm những loại 'thần dược' đáng ngờ được quảng cáo là chữa Covid-19 hiệu quả.

Trong vài tuần gần đây, Indonesia ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Số ca tử vong trong một ngày cũng tăng lên hàng trăm trường hợp, bắt nguồn từ việc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng.

Tại quốc gia Đông Nam Á, hệ thống bệnh viện bị quá tải, thiếu trầm trọng nguồn cung oxy và máy thở. Trong khi đó, hàng triệu bệnh nhân Covid-19 vẫn đợi chờ để được vào khu điều trị cách ly.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp song người dân không thể tiếp cận được với hệ thống y tế. Tình thế này buộc người Indonesia phải tìm phương án thay thế, nhằm cứu người thân thoát khỏi đại dịch.

Trong bối cảnh đó, nhiều loại thuốc, thực phẩm đang được quảng cáo tràn lan ở Indonesia. Dù không có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ, những sản phẩm này lại là phao cứu sinh đối với các bệnh nhân Covid-19 đang tuyệt vọng, theo BBC.

Thuốc chưa được dùng chính thức ở Indonesia

Ngày càng nhiều người dân tại Indonesia tin vào thuốc Ivermectin. Trước đó, truyền thông địa phương đã đưa tin không chính xác, cho rằng Ivermectin là một loại thuốc chống ký sinh trùng được chính phủ phê duyệt khẩn cấp.

Trên thực tế, loại thuốc này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được chứng minh là có khả năng điều trị các triệu chứng của Covid-19.

Song một số đơn vị đưa tin dựa trên một nghiên cứu sơ bộ không đầy đủ của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM).

 Người Indonesia tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: THX.

Người Indonesia tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: THX.

Ngay sau đó, người đứng đầu BPOM, bà Penny Lukito, đã đính chính rằng thuốc Ivermectin chưa được chính phủ phê duyệt khẩn cấp. Bà Lukito giải thích BPOM đã nhầm lẫn thuốc Ivermectin với một loại thuốc khác có trong danh sách.

Cũng theo bà Lukito, thuốc Ivermectin đang được thử nghiệm lâm sàng tại 8 bệnh viện. Song BPOM chỉ có kết quả thử nghiệm sau tháng 10 và chính phủ vẫn chưa phê duyệt loại thuốc này.

Dù vậy, nhiều nhân vật nổi tiếng vẫn quảng cáo thuốc Ivermectin là phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả. Họ đi ngược lại cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng Ivermectin chỉ được sử dụng trong một vài cơ sở thí điểm nhất định.

Nhân viên y tế Reza Gunawan đã quảng cáo thuốc Ivermectin trên tài khoản Twitter cá nhân. Người này sở hữu hơn 350.000 lượt người theo dõi, song khẳng định ông không phải là một bác sĩ y khoa.

Khi được hỏi lý do ông quảng cáo loại thuốc này, Gunawan trả lời: “Ivermectin tương đối an toàn, hiệu quả, là phương án điều trị nhanh chóng, dễ thực hiện và có chi phí thấp. Nó có thể bổ sung vào nỗ lực tiêm chủng hiện tại”.

Công ty Merck, đơn vị sản xuất thuốc Ivermectin, cho biết chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh loại thuốc này điều trị được các triệu chứng của Covid-19.

Tiến sĩ Dicky Budiman, nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith của Australia, khuyến cáo mọi người không nên sử dụng thuốc Ivermectin mà không có chỉ định của bác sĩ. Ông nhận định “tác dụng phụ sẽ rất nghiêm trọng nếu không tham vấn các bác sĩ”.

Hiện một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Anh, coi thuốc Ivermectin là một phương án điều trị Covid-19 khả thi.

Sữa bột cũng được săn lùng

Một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy người Indonesia đang đổ xô đi mua một loại sữa bột. Trước đó, nhiều tuyên bố vô căn cứ cho rằng loại sữa này có thể tạo ra kháng thể chống lại Covid-19, theo BBC.

Do xu hướng mua sắm mới, giá của nhãn sữa này tăng 455% tại Indonesia. Trong khi đó, vẫn chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc uống loại sữa này có thể phòng chống dịch Covid-19.

Đại diện hãng hãng sữa nói trên ở Indonesia khẳng định họ không đưa ra tuyên bố vô căn cứ như vậy. Công ty này nhắc lại kháng thể Covid-19 là kết quả của việc tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh từ trước.

Kẹo ong

Trên mạng xã hội, nhiều bài đăng nhắc đến kẹo ong như liều thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thông tin này nhanh chóng trở nên phổ biến trênTwitter và Facebook, khiến nhiều người tin rằng kẹo ong giúp phòng dịch Covid-19.

Trên thực tế, kẹo ong được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, sau đó được bán với tác dụng trị viêm họng hoặc loét dạ dày. Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Indonesia đã phê duyệt kẹo ong như một loại thuốc bổ truyền thống.

 Indonesia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Ảnh: THX.

Indonesia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Ảnh: THX.

Song trên mạng xã hội Instagram, một tài khoản có tên "Kẹo ong Anh" đã tuyên bố kẹo này có thể chống lại các loại virus nói chung. Trong một bài đăng, tài khoản này khuyến cáo người dân nên “phòng bệnh từ bên trong bằng cách tăng sức đề kháng của cơ thể”.

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy loại kẹo này có thể ngăn ngừa dịch Covid-19. BBC liên hệ với công ty tiếp thị sản phẩm ở Indonesia song không nhận được phản hồi.

Tiến sĩ Faheem Younus, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Maryland, Mỹ, nhận xét cụm từ “tăng cường hệ miễn dịch” là rất chung chung. Ông Younus khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh tác dụng chống Covid-19 của kẹo ong.

Dịch bệnh ở Indonesia tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa đạt đỉnh. Vaccine hiện là chìa khóa để xử lý cuộc khủng hoảng y tế, song Indonesia mới chỉ nhận được 14 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế phân phối toàn cầu COVAX.

Tính đến ngày 25/7, Indonesia ghi nhận tổng cộng 3,13 triệu ca mắc và hơn 82.000 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/indonesia-canh-bao-viec-mua-thuoc-chua-covid-19-theo-tin-don-post1241094.html