Indonesia cầu cứu, thế giới trả lời
Nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế và vaccine Covid-19 đang được các nước tức tốc vận chuyển tới Indonesia trong bối cảnh số người nhiễm virus tăng chóng mặt.
Indonesia đang trên đà trở thành tâm dịch mới khi số ca nhiễm mới trong ngày của nước này đã cao thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Trong ngày 9/7, nhà chức trách Indonesia thông báo có thêm 38.124 ca mắc Covid-19, và 871 trường hợp tử vong. Tới nay, số người dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Indonesia đã lên tới hơn 2,4 triệu, cùng số ca tử vong là 64.631.
Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ quốc tế, trong bối cảnh "cơn sóng thần" Covid-19 đang quét qua đất nước Đông Nam Á. Đến nay, 10 quốc gia và 3 tổ chức phi chính phủ quốc tế đã cam kết gửi hàng cứu trợ tới Indonesia.
Cứu trợ khẩn cấp
Australia là một trong các quốc gia đi đầu viện trợ Indonesia đối phó tình hình dịch bệnh. Lô hàng cứu trợ của Australia gửi tới quốc gia láng giềng gồm 1.000 máy thở, 700 máy tạo oxy, 170 bình dưỡng khí trị giá 8,9 triệu USD.
Bên cạnh đó Australia cũng viện trợ cho Indonesia 40.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, theo Sydney Morning Herald.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết bà đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Retno Marsudi của Indonesia hôm 7/7 để xác nhận về lô hàng cứu trợ, trong bối cảnh Indonesia đối mặt làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.
"Hỗ trợ từ Australia sẽ giúp mở rộng năng lực xét nghiệm, duy trì hoạt động của hệ thống chăm sóc y tế, cũng như trợ giúp các cơ sở cấp cứu của Indonesia trong ứng phó với số ca bệnh ngày càng tăng", Ngoại trưởng Payne nói.
Một quốc gia láng giềng khác là Singapore cũng đã vào cuộc. Hai máy bay vận tải C-130 của Không quân Singapore ngày 9/7 đã vận chuyển nhu yếu phẩm y tế cùng nhiều trang thiết bị như máy thở, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ tới Indonesia.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết tàu đổ bộ nước này cũng đang trên đường vận chuyển một lô bình dưỡng khí tới hỗ trợ nhu cầu điều trị y tế của quốc gia láng giềng, theo Straits Times.
Theo một thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, Singapore viện trợ 200 máy thở và 256 bình dưỡng khí loại 40 lít cho Indonesia.
Ngoài ra, quân đội Indonesia ngày 9/7 thông báo đã tiếp nhận 756 bình dưỡng khí, 600 máy tạo oxygen, 220 máy thở và nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân từ Singapore. Hiện chưa rõ số trang thiết bị này được chuyển cho Indonesia theo hình thức thỏa thuận nào.
Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia đã ký hợp đồng mua 10.000 máy tạo oxygen từ Singapore, lô đầu tiên gồm 30 máy đã cập bến trong ngày 9/7. Bên cạnh đó, Indonesia cũng sẽ mua 36.000 tấn oxygen từ Singapore trong vòng 30 ngày tới.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay 500 triệu USD cho Indonesia nhằm giúp nước này tăng cường khả năng hoạt động của hệ thống y tế, cũng như hỗ trợ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 miễn phí.
Khoản tài chính mới từ Ngân hàng Thế giới sẽ được sử dụng để tăng số giường chăm sóc tích cực, mở rộng năng lực xét nghiệm, cải thiện hệ thống giám sát, ứng phó dịch tễ cũng như thông tin liên lạc với người dân.
"Bên cạnh hỗ trợ tất cả người dân tiếp cận chương trình tiêm chủng miễn phí, khoản vay sẽ giúp hệ thống y tế Indonesia linh hoạt hơn, củng cố năng lực giám sát thông qua xét nghiệm và truy vết ca mắc Covid-19", Bộ trưởng Y tế Sadikin cho biết.
Hàng triệu liều vaccine đang đến
Trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Indonesia Marsudi hôm 2/7, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ sẽ viện trợ quốc gia Đông Nam Á 4 triệu liều vaccine Covid-19 do Moderna phát triển, theo CNN.
Số vaccine sẽ được chuyển giao cho Indonesia trong khuôn khổ chương trình COVAX trong thời gian sớm nhất có thể. Indonesia là một trong những quốc gia châu Á nhận được nhiều vaccine Covid-19 nhất từ phía Mỹ.
Ngày 9/7, một quan chức chính quyền Mỹ xác nhận 3 triệu liều vaccine Moderna đầu tiên đang trên đường vận chuyển tới Indonesia. Số vaccine còn lại sẽ được chuyển tới trong cuối năm nay.
Ngoài ra, Indonesia đã tiếp nhận 14 triệu liều vaccine Sinovac từ Trung Quốc, nhà chức trách nước này thông báo hôm 9/7. Đây là lô vaccine thứ 18 Indonesia tiếp nhận từ Trung Quốc.
Số vaccine này đã được vận chuyển tới các cơ sở lưu trữ dược phẩm ở Bandung, Tây Java để chờ xử lý, trước khi được đưa vào tiêm chủng.
"Chúng tôi sẽ cần 1 tháng để xử lý số vaccine trước khi chúng sẵn sàng được sử dụng", Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết.
Trong khi đó, từ đầu tháng 7, Nhật Bản đã thông báo viện trợ Indonesia 1 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca, theo báo Mainichi.
Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Y tế Indonesia Sadikin cho biết phần lớn lô vaccine do Nhật Bản hỗ trợ sẽ được chuyển tới các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
"Chỉ có thể đối phó với dịch bệnh khủng khiếp này nếu tất cả quốc gia trên thế giới hợp tác. Một quốc gia riêng lẻ sẽ không thể tự mình đối mặt với dịch bệnh", Bộ trưởng Sadikin nói.
Ngoài trang thiết bị y tế, chính phủ Australia cũng xác nhận sẽ viện trợ Indonesia 2,5 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Vaccine do Australia cứu trợ sẽ được chuyển tới Indonesia từ nay cho tới cuối năm.
Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng sẽ viện trợ Indonesia 250.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Lô vaccine sẽ cập bến Indonesia trong tuần tới.
Trong khi đó, Nga cũng đã cam kết sẽ chuyển giao cho Indonesia 2 triệu liều vaccine Sputnik V. Ngoại trưởng Marsudi cho biết Jakarta và Moscow đang thảo luận về tăng cường hợp tác y tế, mà trong dài hạn sẽ là phối hợp sản xuất vaccine Sputnik V ở Indonesia.
Tới nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 118,7 triệu liều vaccine Covid-19, chủ yếu là của Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca. Trong số này, 85 triệu liều đã sẵn sàng phục vụ tiêm chủng.
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi thêm vaccine từ liên minh vaccine GAVI, vaccine mua của AstraZeneca và Pfizer. Sẽ có thêm nhiều lựa chọn trong nửa sau của năm 2021", Bộ trưởng Y tế Sadikin cho biết.
Bộ Y tế Indonesia cho biết chính phủ nước này dự kiến đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, để đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 181,5 triệu người vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Sadikin cảnh báo tiêm chủng không hoàn toàn bảo vệ con người khỏi nguy cơ mắc Covid-19, tuy nhiên có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, qua đó tăng hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh.
"Mọi người vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 sau khi tiêm chủng, nhưng nhờ hệ miễn dịch cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, người mắc Covid-19 sẽ chỉ bị bệnh nhẹ, hay thậm chí không có triệu chứng gì", ông Sadikin cho biết.
Tới ngày 8/7, Indonesia đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 cho 34,8 triệu người, tương đương 12,9% dân số. Trong khi đó, số người đã tiêm đủ liều vaccine là 14,6 triệu, tức khoảng 5,4% dân số.
Indonesia đang phải cân nhắc tiêm bổ sung vaccine Covid-19 cho các nhân viên y tế đã được tiêm vacicne của Sinovac, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhân viên y tế đã tiêm đủ liều vaccine Sinovac nhưng vẫn nhiễm virus corona.
Theo ông Slamet Budiarto, phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Indonesia, nhiều người dù đã tiêm đủ liều vaccine nhưng vẫn có triệu chứng từ trung bình tới nặng, thậm chí tử vong.
"Đã đến lúc nhân viên y tế được tiêm liều bổ sung thứ ba để bảo vệ họ khỏi các biến chủng mới nguy hiểm hơn", Melki Laka Lena, phó chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc hội Indonesia, cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/indonesia-cau-cuu-the-gioi-tra-loi-post1236855.html