Indonesia chi 22 tỷ USD mua 78 chiến đấu cơ mới
Chỉ trong đầu tháng 2, Bộ Quốc phòng Indonesia đã cho công bố hai hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ 'khủng' với giá trị ước tính lên đến gần 22 tỷ USD.
Military Watch đưa tin, Bộ Quốc phòng Indonesia ngày 11/2 đã ký một thỏa thuận mua 36 tiêm kích Boeing F-15 Eagle từ Mỹ với giá trị ước tính lên đến 13,9 tỷ USD.
Chi 22 tỷ USD mua 78 chiến đấu cơ mới
Với hợp đồng này Indonesia đã trở thành khách hàng thứ 7 của F-15 Eagle sau Israel, Nhật Bản, Ả Rập Xê-út, Hàn Quốc, Singapore và Qatar.
Dù được đánh giá là dòng tiêm kích đa năng hạng nặng ưu việt nhất của Mỹ hiện tại nhưng số lượng hợp đồng xuất khẩu F-15 khá ít ỏi nếu so với các mẫu chiến đấu cơ khác cùng phân khúc, điều này chủ yếu do chi phí vận hành và yêu cầu bảo dưỡng máy bay cao.
Trước đó một ngày (10/2), Jakarta phát đi thông báo cho biết đã đặt mua 42 tiêm kích đa năng Dassault Rafale từ Pháp, giá trị hợp đồng vào khoảng 8 tỷ USD. Quá trình bàn giao lô Rafale đầu tiên sẽ được thực hiện trong năm 2022.
Theo đánh giá của các nhà quan sát, hai hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ mới của Indonesia cho thấy sự thay đổi lớn trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân của nước này. Jakarta bắt đầu chuyển đổi từ các dòng tiêm kích hạng nặng của Nga sang máy bay phương Tây.
Cần phải nói rõ thêm rằng sự chuyển đổi này chịu tác động lớn từ các cảnh báo của Mỹ về việc áp đặt lệnh cấm vận lên Indonesia nếu Jakarta mua vũ khí từ Nga dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA). Còn kế hoạch ban đầu của Indonesia là mua tiêm kích đa năng Su-35S của Nga chứ không phải là Rafale hay F-15.
Hiện chưa rõ Indonesia sẽ mua biến thể nào của F-15, nhưng có nhiều thông tin cho rằng Jakarta sẽ lựa chọn phiên bản F-15EX mới nhất. Cả Su-35S và F-15EX đều dựa trên thiết kế của các máy bay thời Chiến tranh Lạnh là Su-27 Flanker và F-15 Eagle - những chiến đấu cơ chủ lực của Liên Xô và Mỹ thời kỳ đó.
F-15EX mạnh hơn Su-35S?
Mặc dù Su-27 được coi là chiến đấu cơ có năng lực tác chiến tốt nhất trong Chiến tranh Lạnh, nhưng sự tan rã của Liên Xô và sự thu hẹp mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ hàng không Nga đã tạo cơ hội để ngành hàng không quân sự Mỹ thu hẹp khoảng cách. F-15EX được đánh giá là có cơ hội tốt hơn chống lại Su-35S so với F-15 trước Su-27 của những năm 1980.
Các phiên bản F-15 mới nhất được thừa hưởng hệ thống điện tử hàng không, liên kết dữ liệu và cảm biến được đánh giá ít nhất ngang bằng, thậm chí tốt hơn Su-35S. Tuy nhiên, máy bay chiến đấu Su-35S của Nga có động cơ mạnh hơn đáng kể, khả năng vectơ lực đẩy ba chiều để cải thiện khả năng cơ động và phạm vi tác chiến đến 400 km với tên lửa R-37M, trong đó F-15 chỉ có thể tác chiến trong phạm vi 160-180 km.
Su-35S được trang bị 3 radar, trong đó có 2 radar mảng quét điện tử tích cực (AESA) băng tần L gắn trong cánh, trong khi đó F-15 chỉ được trang bị 1 radar AESA duy nhất ở mũi. Điều này đem lại cho máy bay chiến đấu Nga khả năng tác chiến điện tử độc đáo và có khả năng hoạt động vượt trội khi đối đầu với các mục tiêu tàng hình.
Một ưu điểm quan trọng của chương trình Su-35S là dòng máy bay Su-27 đã trở thành “xương sống” của không quân Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ, với phần lớn các máy bay chiến đấu mới được mua kể từ khi Liên Xô tan rã đều là phiên bản nâng cấp của Su-27. Trong khi đó, Mỹ đã ngừng mua F-15 gần 20 năm kể từ năm 2001, chỉ sản xuất để xuất khẩu.
Phần khác do Nga thiếu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, Su-35 được đầu tư đáng kể để có thể cạnh tranh với các chiến đấu cơ thế hệ 5 mới nhất, trong khi các chương trình thế hệ 5 của Mỹ đã thực hiện khiến việc hiện đại hóa F-15 ít được ưu tiên hơn. Dù vậy với các phiên bản F-15 mới nhất chúng vẫn có thể “đấy tay đôi” với Su-35S, thế nhưng máy bay của Nga vẫn sẽ có lợi thế hơn trong tác chiến trên không như phòng không và chống hạm.
F-15 Mỹ đắt gấp 5 lần Su-35 Nga
Đối với Không quân Indonesia, Su-35 và F-15 là lựa chọn tương đương nếu chúng được cung cấp theo các điều khoản tương tự, trong đó F-15 của Mỹ có lợi thế nhờ khả năng tương tác cao hơn với các máy bay chiến đấu khác của phương Tây như F-16 trong khi Su-35 sẽ có thể sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng bảo dưỡng và vũ khí trang bị từ Su-27 và Su-30.
Tuy vậy, sự chênh lệch giá cả giữa hai loại máy bay chiến đấu này rất lớn. F-15 được chào bán với giá 386 triệu USD mỗi chiếc trong khi Su-35, nếu được mua với số lượng tương tự, dự kiến có giá khoảng 78 triệu USD tùy thuộc vào các lựa chọn bổ sung. Điều này khiến chi phí của F-15 cao hơn Su-35 gấp 5 lần. Thay vì 36 chiếc F-15, Indonesia có thể đã mua phi đội Su-35 lớn nhất thế giới với 180 chiếc - nhiều hơn số lượng tất cả những chiếc Su-35 từng được sản xuất.
Con số trên chưa kể chi phí hoạt động, vì cả hai máy bay đều có chi phí vận hành tương đương, đồng nghĩa với việc duy trì một đội máy bay chiến đấu lớn như vậy sẽ không hợp lý. Tuy nhiên, việc so sánh chi phí mua của 2 máy bay chiến đấu cung cấp một ví dụ quan trọng về hiệu quả về chi phí mà Nga có thể cung cấp cho các máy bay chiến đấu hạng nặng dành cho xuất khẩu.
Dù vậy những đe dọa cấm vận nhằm gây sức ép của Mỹ đã phát huy hiệu quả, Indonesia đã ngậm ngùi từ bỏ Su-35 để chuyển sang một loại máy bay chiến đấu tương đương với giá cao gấp 5 lần. Jakarta đã quyết định mua F-15 bất chấp việc Washington cũng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về việc sử dụng máy bay chiến đấu, bao gồm cả vị trí chúng được triển khai, trong khi đối với máy bay Nga, hầu như không có bất cứ hạn chế nào.