Indonesia chú trọng phát triển lực lượng tàu ngầm

Lựa chọn đầu tư vào tàu ngầm, thay vì các lựa chọn khác, cho thấy Indonesia coi từ chối trên biển (sea denial) có tầm quan trọng lớn vì phải đối mặt với nhiều loại thách thức an ninh trong thời bình.

Động thái mới nhất của giới chức quân sự Indonesia cho thấy các ưu tiên chiến lược của Jakarta - phát triển khả năng phục vụ chiến lược từ chối trên biển, cũng như tham vọng của nước này trong việc nâng cao chuyên môn kỹ thuật đóng tàu, trong đó có tàu ngầm.

Tàu ngầm Alugoro của Hải quân Indonesia. Nguồn: navalnews.com.

Tàu ngầm Alugoro của Hải quân Indonesia. Nguồn: navalnews.com.

Vai trò của tàu ngầm đối với “xứ sở vạn đảo”

Indonesia - quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất trên thế giới được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo" vì lãnh thổ của nước này bao gồm 13.487 hòn đảo lớn nhỏ. Các cơ sở của Indonesia nằm ở hai bên của một trong những điểm nghẽn tàu ngầm quan trọng nhất thế giới. Phần lớn thương mại của thế giới phải đi qua eo biển quan trọng Malacca và vùng nước nông ven biển xung quanh quần đảo Indonesia - điều khiến họ trở thành bãi săn tàu ngầm tuyệt vời, nhưng Indonesia có số lượng tàu ngầm hạn chế cùng các tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống và tàu tấn công nhanh.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và các tuyến đường biển, các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Jakarta nhằm đạt được Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu (Minimum Essential Force - MEF) vào năm 2024, bao gồm nâng cấp các năng lực hải quân. Một Bộ Tư lệnh Trung tâm đã được thành lập, liên kết ba hạm đội chính của Indonesia - Hạm đội phía Tây ở Jakarta, Hạm đội Trung tâm ở Makassar và Hạm đội phía Đông ở Sorong. Lựa chọn đầu tư vào tàu ngầm, thay vì các lựa chọn khác, cho thấy Indonesia coi từ chối trên biển (sea denial) có tầm quan trọng lớn vì phải đối mặt với nhiều loại thách thức an ninh trong thời bình - đánh bắt trái phép, buôn lậu và thiên tai…

Các nền tảng có mục đích kép, như tàu nổi và máy bay tuần tra hàng hải, sẽ là ưu tiên tự nhiên cho đầu tư quốc phòng. Tàu ngầm được thiết kế dành riêng cho chiến tranh thông thường và là công cụ cần thiết để hỗ trợ chiến lược từ chối trên biển - được sử dụng để phá vỡ, nếu không đẩy lùi, các hoạt động hải quân của đối phương. Tàu ngầm không thích hợp cho hầu hết các nhiệm vụ thời bình, ngoại trừ một số trường hợp chống cướp biển hiếm hoi. Chúng cũng không thể là nguồn kiểm soát chính trên biển do không có khả năng hộ tống. Do đó, việc Jakarta lựa chọn tàu ngầm cho thấy một bước tiến rõ ràng trong tư duy và phát triển khả năng từ chối trên biển.

Với một số eo biển quan trọng về mặt chiến lược nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bên trong biên giới của mình, Indonesia khó tránh khỏi sự cạnh tranh giữa các cường quốc hàng hải, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ. Sở hữu một số năng lực hải quân nhất định là điều cần thiết để Jakarta bảo vệ chủ quyền của mình và đóng vai trò như một con bài thương lượng. Việc Jakarta tập trung vào việc từ chối trên biển có thể phản ánh một chiến lược tối đa hóa đòn bẩy chiến lược bất đối xứng mà Indonesia có thể có trước các đối thủ về ngân sách, đặc biệt là năng lực công nghiệp. Nếu Indonesia sử dụng cùng một số ngân sách để đóng ba tàu khu trục nhỏ trở lên, hoặc mua sắm nhiều máy bay tuần tra hàng hải hơn nữa, thì lợi thế chiến lược sẽ ít hơn so với ba tàu ngầm.

Điều này không có nghĩa là đầu tư cho quốc phòng sẽ hoàn toàn tập trung vào việc phát triển các khả năng từ chối trên biển, vì đồng thời Indonesia vẫn cần năng lực cho các nhiệm vụ khác nhau thời bình. Indonesia đã dành sự quan tâm đáng kể đến việc xây dựng khả năng từ chối trên biển của mình. Ngoài tàu ngầm, Jakarta đã phát triển hai loại tàu tấn công nhanh (fast attack craft - FAC) bản địa, KCR-40 và KCR-60, được trang bị tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc cấp phép chế tạo. Điều này song song với việc mua các tên lửa đất đối không có tiềm năng chống hạm, chẳng hạn như Kh-31P của Nga, được trang bị bởi máy bay chiến đấu Su-30MK2 của không quân.

Tuy nhiên, lợi thế chiến lược từ các tàu này sẽ thấp hơn so với các tàu ngầm, cả về triển khai và đối phó. Lãnh thổ rộng lớn của Indonesia yêu cầu triển khai FAC và máy bay về phía trước, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng về căn cứ hải quân và không quân, có thể hạn chế các hoạt động như vậy. Mặc dù tàu ngầm cũng không tránh khỏi những hạn chế về thời gian cần thiết để di chuyển quãng đường lớn, nhưng khả năng tàng hình vốn có của chúng sẽ khiến đối thủ ít chắc chắn hơn về thời điểm và địa điểm các cuộc tấn công có thể xảy ra. Bằng cách này, tàu ngầm mang lại khả năng răn đe lớn hơn so với các phương tiện từ chối trên biển khác. Tàu ngầm có cơ hội tấn công tốt hơn và cho mục tiêu ít thời gian hơn để phản ứng. Nói tóm lại, các tàu ngầm mang đến cho Jakarta một lợi thế không đối xứng để chống lại một lực lượng hải quân vượt trội.

Bên cạnh việc đóng tàu, cải thiện cơ sở hạ tầng và các phương tiện hỗ trợ các hoạt động dưới nước sẽ là một chỉ số cho khả năng tàu ngầm của Indonesia, vì chỉ một hoặc hai căn cứ có thể dễ bị tấn công từ bên ngoài. Nếu một thế lực bên ngoài đe dọa quốc gia quần đảo, nó sẽ có khả năng tấn công các căn cứ tàu ngầm của Indonesia, khiến các tàu ngầm diesel-điện bị hạn chế hoặc không có tính bền vững trong hoạt động do thiếu hỗ trợ hậu cần. Điều này cho thấy các cơ sở bổ sung để duy trì hoạt động của tàu ngầm có thể có giá trị răn đe hơn là mua sắm các tàu ngầm khác.

Lực lượng tàu ngầm Indonesia

Hải quân Indonesia, còn được gọi là Tentar Nasional Indonesia-Angkatan Laut (TNI-AL), từng vận hành một lực lượng tàu ngầm gồm 12 chiếc lớp Whisky mua từ Liên Xô trong những năm 1960-1970. Kể từ cuối những năm 1990, Indonesia đã hiện đại hóa các quân binh chủng khác nhau khác nhau của các lực lượng vũ trang. Các tàu ngầm lớp Cakra đã trải qua nhiều đợt cải tiến lớn trong những dịp khác nhau, ban đầu là bởi HDW và sau đó là Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc. Những cải tiến này dẫn đến việc hiện đại hóa các hệ thống đẩy cũng như hệ thống phát hiện và dẫn đường. Ngoài ra, DSME cũng bổ sung các hệ thống điều khiển hỏa lực và chiến đấu mới.

Tàu ngầm Nagapasa của Hải quân Indonesia; Nguồn: wikimedia.org

Tàu ngầm Nagapasa của Hải quân Indonesia; Nguồn: wikimedia.org

Năm 2006, Indonesia dự tính mua tổng cộng 12 tàu ngầm từ Nga, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc và thậm chí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn do hạn chế về ngân sách, những mua sắm này đã không thành hiện thực, tuy nhiên, các quan chức TNI-AL tiếp tục mơ ước về một hạm đội tàu ngầm lớn. Năm 2010, Phó Đô đốc Marsetio - Phó Tham mưu trưởng Hải quân - cho rằng, Indonesia cần thêm 39 tàu ngầm để bảo vệ lãnh thổ biển rộng lớn của đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Kế hoạch Chiến lược Quốc phòng 2024 của Indonesia đang hướng tới khả năng có ít nhất 10 tàu ngầm.

Tháng 12/2011, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký một hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD với DSME để tăng cường Hải quân với ba tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209/1400 vào năm 2020. Hai trong số các tàu, đặt tên là lớp Nagapasa, được đóng tại Hàn Quốc. Tàu Nagapasa (403) được hạ thủy ngày 24/3/2016 tại Nhà máy đóng tàu Daewoo và được bàn giao vào năm 2017. Tàu KRI Ardadedali (404) được hạ thủy ngày 24/10/2016 tại Nhà máy đóng tàu của Daewoo và đi vào hoạt động vào tháng 4/2018. Công ty đóng tàu Perseroan Terbatas Penataran Angkatan Laut (PT-PAL) thuộc sở Nhà nước Indonesia đã chế tạo chiếc tàu thứ ba được hạ thủy vào tháng 4/2019.

Đầu tháng 4/2013, Hải quân Indonesia đã khai trương căn cứ hải quân Palu ở Palu, Trung Sulawesi để làm căn cứ tàu ngầm chính của Hải quân. Đô đốc Marsetio - Tham mưu trưởng Hải quân - giải thích rằng, căn cứ hải quân Palu có vị trí thuận lợi để thể hiện sức mạnh của Indonesia trong vùng Ambalat, cách đó chỉ 550km và là hiện trường đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Malaysia. Tháng 9/2018, một trận sóng thần tấn công Sulawesi, làm hư hại căn cứ hải quân và khiến kế hoạch triển khai các tàu ngầm lớp Nagapasa bị đình trệ.

Hiện Hải quân Indonesia vận hành 5 tàu ngầm tấn công diesel-điện thuộc hai lớp Cakra Type 209/1300 cũ hơn và lớp Nagapasa Type 209/1400. Các tàu ngầm lớp Cakra Type 209/1300 dài 59,5m, rộng 6,2m, có thể di chuyển với tốc độ 21,5 hải lý/giờ khi lặn; chúng có thể lặn khoảng 50 ngày mà không nổi lên. Những chiếc tàu ngầm lớp Nagapasa Type 209/1400 dài 61m, rộng 6,3m và có thể di chuyển với tốc độ 21,5 hải lý/giờ lặn, có thể lặn khoảng 50 ngày. Hệ thống vũ khí của chúng cũng gồm tên lửa chống hạm và ngư lôi.

Indonesia đàm phán mua tàu ngầm Pháp

Được biết, các quan chức Bộ Quốc phòng Indonesia đang thảo luận với một tập đoàn do Tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp dẫn đầu để có thể đặt hàng tàu ngầm lớp Riachuelo (Scorpene cải biên). Cuộc thảo luận này là diễn biến mới nhất trong chuỗi các cuộc đàm phán lẻ tẻ giữa các nhà hoạch định quốc phòng Indonesia và Tập đoàn Naval Group kể từ năm 2016, khi Jakarta lần đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến loại tàu Scorpene 1000.

Tàu ngầm Riachuelo lớp Scorpene đang là mối quan tâm của Hải quân Indonesia; Nguồn: navyrecognition.com

Tàu ngầm Riachuelo lớp Scorpene đang là mối quan tâm của Hải quân Indonesia; Nguồn: navyrecognition.com

Một trong những nguồn tin trong nọi bộ cho biết đã bắt đầu xem xét thẩm định cụ thể đối với lớp Riachuelo sau khi một biến thể của loại tàu ngầm này được Naval Group tiến cử và được cho là phù hợp với yêu cầu của Indonesia. Bên cạnh các cuộc thảo luận kỹ thuật, các cuộc đàm phán với Naval Group và tập đoàn của nó cũng đề cập đến các lựa chọn tài chính và cơ hội cho các thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa các công ty quốc phòng của Pháp và Indonesia.

Được biết, tàu ngầm lớp Riachuelo nặng 1.800 tấn, 4 chiếc thuộc lớp này đã được đặt hàng cho Hải quân Brazil vào năm 2009. Chiếc đầu tiên được Naval Group hạ thủy vào tháng 12/2018, chiếc cuối cùng dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2022. Tàu có chiều dài 75m, rộng 6,2m và có thủy thủ đoàn 31 thành viên, trong đó có 6 sĩ quan. Tàu ngầm lớp Riachuelo có khả năng triển khai ngư lôi hạng nặng F21 và tên lửa MBDA Exocet SM39 Block 2 Mod 2 bằng ống phóng 533mm, và có khả năng lặn sâu tới 350m.

Việc phát triển năng lực tàu ngầm của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới Indonesia lại trở thành tâm điểm chú ý của các chuyên gia quân sự, giới quan sát thế giới và khu vực. Động thái mới nhất này của giới chức quân sự Indonesia cho thấy các ưu tiên chiến lược của Jakarta - phát triển khả năng phục vụ chiến lược từ chối trên biển - cũng như tham vọng của nước này trong việc nâng cao chuyên môn kỹ thuật đóng tàu, trong đó có tàu ngầm.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/indonesia-chu-trong-phat-trien-luc-luong-tau-ngam/20201217025426860