Indonesia chuẩn bị chiến lược ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu
Ngày 9/8, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết quốc gia này đã chuẩn bị một số chiến lược nhằm ứng phó với các tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, bao gồm gia tăng sản lượng, đa dạng hóa lương thực, tăng cường dự trữ, và hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Xử lý mối đe dọa của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, Vụ trưởng Ngũ cốc thuộc Tổng cục Cây lương thực, ông Ismail Wahab cho biết sản lượng các loại lương thực chính - đặc biệt là gạo, ngô và đậu tương – sẽ được tăng cường để luôn có sẵn và dư thừa.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố rằng Indonesia đã có thể đáp ứng nhu cầu gạo trong nước mà không cần phụ thuộc vào nhập khẩu trong 3 năm liên tiếp gần đây.
Tuy vậy, ông Wahab cho hay Indonesia hiện vẫn phải nhập khẩu ngô và đậu nành để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, chính phủ đang cố gắng để thay thế ngô nhập khẩu bằng sản xuất trong nước.
Theo ông Wahab, Indonesia đã không nhập khẩu ngô để làm thức ăn chăn nuôi trong ba năm qua. Chính phủ cũng đã vạch lộ trình trồng đậu nành lên tới 1,5 triệu ha từ nay đến năm 2026 nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.
Ngoài gia tăng sản lượng, cuộc khủng hoảng lương thực cũng cần được ngăn chặn thông qua việc đa dạng hóa cây trồng. Wahab cho rằng tiêu thụ gạo bình quân đầu người cần được cắt giảm và thay thế bằng các loại lương thực chính khác như sắn, hạt sago và kê với sản lượng dồi dào trong nước.
Chiến lược tiếp theo của Indonesia là tăng dự trữ lương thực và tăng cường hậu cần. Theo đó, quốc gia này sẽ thiết lập các kho lương thực ở cấp thôn, huyện/quận, tỉnh/thành phố, và quốc gia.
Ngoài ra, cũng cần chuyển đổi công cụ và nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, các nông dân trẻ phải được khuyến khích và chuẩn bị để thay thế những nông dân cao tuổi. Thế hệ nông dân trẻ được kỳ vọng sẽ giúp phát triển nền nông nghiệp hiện đại để gia tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao chất lượng cây trồng.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Trung tâm Vận động và Nghiên cứu Thực phẩm Nông nghiệp (Pataka), ông Ali Usman cho rằng chính phủ cần hợp tác với tất cả các bên liên quan – gồm các công ty lương thực nhà nước và khu vực tư nhân – nhằm tăng sản lượng lương thực trong nước. Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, điều quan trọng là Indonesia cần tiến hành hiện đại hóa nông nghiệp và sử dụng các giống hạt chất lượng cao.