Indonesia công bố các biện pháp khẩn cấp chống dịch

Ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố các biện pháp khẩn cấp tại đảo Java và Bali nhằm hạn chế sự lây lan biến thể Delta trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong những tuần gần đây.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trong một chương trình phát trực tiếp trên mạng Internet, Tổng thống Widodo cho biết: “Chính phủ sẽ triển khai mọi nguồn lực nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19. Quân đội, cảnh sát, bác sĩ, nhân viên công vụ, nhân viên y tế cần làm việc tốt nhất có thể để chống lại đại dịch”.

Ông Widodo cho hay lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp sẽ được áp dụng từ ngày 3 - 20/7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng kề đó với trên 4 triệu dân.

Với việc áp đặt PPKM khẩn cấp, tất cả người lao động trong các lĩnh vực không thiết yếu đều phải làm việc tại nhà, trong khi chỉ 50% lao động trong các lĩnh vực thiết yếu gồm ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như khách sạn được phép làm việc luân phiên tại văn phòng. Các trung tâm mua sắm, địa điểm thờ tự, công viên và trung tâm giải trí sẽ buộc phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng không được phép phục vụ khách tại chỗ mà chỉ được cung cấp các suất ăn mang đi và giao hàng. Các tiệc cưới chỉ giới hạn tối đa 30 khách và không được phép ăn uống. Các cửa hàng tạp hóa và siêu thị chỉ được phép hoạt động với 50% công suất và phải đóng cửa vào 20h hằng ngày.

Các dịch vụ vận tải công cộng đường dài được phép hoạt động với 70% công suất song phải tuân thủ các quy trình y tế nghiêm ngặt. Hành khách đi xe buýt và tàu hỏa liên thành phố và liên tỉnh phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ít nhất một mũi, cũng như kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Trong khi đó, hành khách di chuyển bằng đường không phải chịu các biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Tuy nhiên, người lao động trong các “lĩnh vực quan trọng” sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế mới. Những lĩnh vực được coi là quan trọng gồm năng lượng, y tế, an ninh, hậu cần và vận tải, thực phẩm và đồ uống, cũng như các lĩnh vực kinh doanh bổ sung như cửa hàng tạp hóa, xây dựng và dịch vụ tiện ích.

Cùng ngày 1/7, Indonesia khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu tại một trường trung học công lập tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta. Trong giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng dự kiến tiêm vaccine cho 100 trẻ em với sự phối hợp giữa Sở Y tế thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, và Sở Giáo dục Jakarta. Trẻ em sẽ được tiêm vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất và đang được sử dụng rộng rãi trong chương trình tiêm chủng toàn quốc được triển khai vào ngày 13/1 vừa qua.

Bộ Y tế Indonesia đặt mục tiêu cung cấp 7,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trên địa bàn thủ đô đến tháng 8/2021. Theo Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, tính đến ngày 23/6, trẻ em chiếm tới 12,6% trong tổng số trên 2 triệu ca mắc COVID-19 ở nước này. Trong khi đó, số liệu của Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em cho thấy, tính đến ngày 2/6, trẻ em từ 6-17 tuổi chiếm 5,6% tổng số ca mắc COVID-19, trong khi 2,3% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Giám đốc Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) Aman Pulungan cho biết trẻ em có thể mắc và tử vong do COVID-19 nếu bị các bệnh nền như béo phì, lao phổi và tăng huyết áp.

Cho đến nay, Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, với tổng cộng 2,17 triệu ca, trong đó có 58.000 ca tử vong. Trong 5 ngày liên tiếp tính đến ngày 30/6, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này có trên 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, vượt kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 1 vừa qua.

Giới chức y tế Indonesia cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này chủ yếu do biến thể Delta cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê và đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào cuối tháng 5 vừa qua.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm 50% số ca mắc mới COVID-19 xuống mức 10.000 ca/ngày trong bối cảnh hệ thống chăm sóc y tế của nước này đang bị quá tải.

Hữu Chiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-cong-bo-cac-bien-phap-khan-cap-chong-dich-20210701164729094.htm