Indonesia đặt mục tiêu thủ đô mới lọt tốp 10 thành phố đáng sống nhất
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa thủ đô mới lọt tốp 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới và thu hút nhân tài người nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á.
Quốc hội Indonesia đã thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta sang khu vực Kalimantan trên đảo Borneo.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đưa thủ đô mới lọt tốp 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới và thu hút nhân tài người nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á.
Chuyển thủ đô từ Jakarta sang khu vực Kalimantan trên đảo Borneo
Kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) đưa ra vào đầu tháng 4/2019.
Sau đó kế hoạch này đã được Tổng thống Joko Widodo nêu ra trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội vào ngày 16/8/2019 nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Độc lập của Indonesia.
Ý tưởng về việc di dời thủ đô thực ra đã được Indonesia thảo luận từ nhiều thập kỷ qua bởi các tổng thống khác nhau, kể từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia là ông Sukarno, song ý tưởng này được hiện thực hóa và trở nên cấp bách dưới thời của Tổng thống Widodo.
Kế hoạch di dời thủ đô được đưa ra trong bối cảnh thủ đô hiện tại của Indonesia là Jakarta nằm trên đảo Java phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường không khí, lũ lụt và tắc đường trầm trọng kéo dài.
Từng là cố đô của Vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số khoảng 10 triệu người, đông gấp 3 lần so với dân số ở các thành phố lân cận.
Thêm vào đó, với vị trí nằm ở vùng đất thấp nên thành phố Jakarta cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường, thường xuyên hứng chịu lũ lụt vào mùa mưa.
Việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố ngày càng bị lún nhanh hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết phía Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm qua và đang tiếp tục chìm trung bình 18cm mỗi năm. Ước tính phần lớn đô thị Jakarta có thể sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050.
Vì vậy, khi đề cập đến kế hoạch di dời thủ đô, Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc dân tộc mà còn lại đại diện cho sự tiến bộ của quốc gia.
Việc lựa chọn thủ đô mới cũng thể hiện tầm nhìn xa của nước này, hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế trong tương lai.
Cũng theo Tổng thống Widodo, thủ đô mới của Indonesia sẽ được thiết kế như một thành phố thông minh bền vững, có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hệ thống nước và điện xanh.
Vài tháng sau khi đưa ra kế hoạch di dời thủ đô, Tổng thống Widodo đã công bố hai khu vực hành chính Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara (thuộc tỉnh Đông Kalimantan) được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới của nước này.
Tổng thống Widodo cũng đã chọn "Nusantara" (có nghĩa là "quần đảo" trong tiếng Anh) làm tên cho thủ đô mới của nước này.
Việc khởi công dự án xây dựng trị giá hàng tỷ USD này ban đầu dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8/2020, nhưng do đại dịch COVID-19 đã buộc chính phủ phải tạm dừng kế hoạch này.
Đến tháng 1/2022, Quốc hội Indonesia đã thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta sang khu vực Kalimantan trên đảo Borneo.
Về mặt hành chính, thủ đô mới Nusantara sẽ có chính quyền trực thuộc trung ương như 34 tỉnh của Indonesia, trong khi đó thủ đô hiện nay là Jakarta sẽ vẫn tiếp tục là trung tâm về tài chính và thương mại của đất nước.
Cũng theo dự luật này, các đại sứ quán nước ngoài và đại diện của các tổ chức quốc tế tại Jakarta hiện nay được kỳ vọng sẽ cùng di chuyển tới thủ đô mới Nusantara trong vòng 10 năm kể từ khi việc chuyển đổi có hiệu lực và Chính phủ Indonesia sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đất cho các cơ quan nước ngoài này.
Thủ đô mới hướng đến một hệ sinh thái xanh
Với diện tích khoảng 127.000km2, Đông Kalimantan là nơi sinh sống của hơn 3,7 triệu người.
Thủ đô mới sẽ đóng vai trò là Trung tâm Hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta -thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của khoảng 10 triệu dân - sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia.
Indonesia kỳ vọng thủ đô mới sẽ trở thành một “siêu trung tâm” thân thiện với môi trường, có tỷ lệ phát thải carbon thấp để có thể hỗ trợ phát triển tốt cho các ngành như dược phẩm, y tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.
Dự án dời đô của Indonesia ban đầu ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 32,5 tỷ USD.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết thủ đô mới Nusantara sẽ trở thành nơi thí điểm việc chuyển đổi và thay đổi cách làm việc trong nhiều lĩnh vực từ cơ sở kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục với chất lượng cao cùng với một hệ thống xã hội khoan dung, đề cao đạo đức cộng đồng.
Chính phủ Indonesia cũng nỗ lực trong việc thực hiện phát triển bền vững, tập trung vào nền kinh tế xanh khi xây dựng trung tâm thí điểm công nghiệp xanh tại thủ đô mới.
Định hướng này sẽ được thực hiện trong quá trình xây dựng và hình thành thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan.
Theo Tổng thống Joko Widodo, Chương trình Phát triển Nusantara là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế và xã hội Indonesia phát triển bền vững.
Chính phủ định hướng Nusantara như một hình mẫu cho sự chuyển đổi về môi trường xanh, không gian và phương thức làm việc, cơ sở kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ trở thành trung tâm hàng đầu quốc gia về dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao.
Tổng thống Joko Widodo cũng đã công bố dự án phát triển công nghiệp xanh tại khu vực Bắc Kalimantan với mục tiêu xây dựng khu công nghiệp bền vững bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo mới.
Ngoài ra, Tổng thống Joko Widodo cũng đã bày tỏ mong muốn di dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan vào ngày 16/8/2024, một ngày trước Ngày Quốc khánh, và hiện chỉ còn khá ít thời gian để tiến hành đại dự án này.
Với việc chính thức phê chuẩn, Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba thay đổi thủ đô của mình sau Malaysia và Myanmar trong lịch sử hiện đại.
Trước đó, Malaysia đã di dời tất cả các cơ quan chính phủ tới một thủ đô hành chính mới mang tên Putrajaya vào năm 2003, nằm ở ngoại ô Kuala Lumpur để tránh tình trạng tắc đường và chật chội.
Trong khi đó, thủ đô mới của Myanmar mang tên Naypyidaw (theo tiếng Burma có nghĩa là nơi ở của các vị vua) được chính thức chuyển đổi vào tháng 3/2006, nằm cách thủ đô cũ Yangoon khoảng 320km về phía Bắc./.