Indonesia đề xuất 2 trọng tâm chính sách tại hội nghị APEC

Bộ trưởng Airlangga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối kỹ thuật số vốn đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của con người ngày nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tại hội nghị cấp bộ trưởng APEC. (Nguồn: antaranews)

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tại hội nghị cấp bộ trưởng APEC. (Nguồn: antaranews)

Ngày 18/11, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã đề xuất đưa hợp tác y tế và kết nối kỹ thuật số làm trọng tâm chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Phát biểu tại hội nghị cấp bộ trưởng APEC ở Bangkok, Thái Lan, ông Airlangga khẳng định: “Tiếp cận vaccine và tính minh bạch trong chính sách y tế là nền tảng để thiết lập đi lại an toàn giữa các nước và tái kết nối khu vực APEC.”

Trên cơ sở đó, ông Airlangga kêu gọi kết nối các hệ thống chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng cách công nhận các loại vaccine được các nền kinh tế thành viên APEC sử dụng, cho rằng việc sử dụng các loại vaccine khác nhau tại các quốc gia “không nên là trở ngại” đối với du khách.

Bộ trưởng cho hay Indonesia đã công nhận 98 loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau và sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá để cho phép sử dụng các loại vaccine khác.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết toàn cầu nhằm xử lý đại dịch, ông Airlangga nói rõ: “Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rằng đoàn kết toàn cầu không chỉ là lời nói suông. Không ai thực sự an toàn cho đến khi cả thế giới được an toàn.”

Bên cạnh đó, ông Airlangga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối kỹ thuật số vốn đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của con người ngày nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ông Airlangga cho biết Indonesia đã kết nối ứng dụng khai báo y tế PeduliLindungi với các ứng dụng của các quốc gia khác như TraceTogether của Singapore, Tawakkalna của Saudi Arabia và DCC của Liên minh châu Âu (EU).

Đồng thời, ông nêu ra một số thách thức đối với việc kết nối kỹ thuật số, trong đó có khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia APEC.

Bộ trưởng Airlangga hối thúc APEC tăng cường liên kết khu vực và cho rằng diễn đàn này có thể là giải pháp ứng phó với những thách thức đặt ra.

Ông gợi ý rằng APEC có thể khuyến khích hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực, đồng thời nhấn mạnh rằng tình đoàn kết giữa các nền kinh tế APEC là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/indonesia-de-xuat-2-trong-tam-chinh-sach-tai-hoi-nghi-apec/830014.vnp