Indonesia di dời nhiều cư dân sau vụ phun trào núi lửa đảo Flores

Ngày 6/11, chính phủ Indonesia công bố kế hoạch di dời vĩnh viễn hàng nghìn cư dân sau khi hàng loạt vụ phun trào xảy ra tại núi lửa Lewotobi Laki-laki trên đảo Flores, khiến nhiều người thiệt mạng và làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà.

Toàn cảnh khu dân cư phủ đầy tro núi lửa tại khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào của núi lửa Lewotobi Laki-Laki tại Flores Timur, Indonesia, ngày 4/11/2024. Ảnh: Antara Foto/Pemulet Paul

Toàn cảnh khu dân cư phủ đầy tro núi lửa tại khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào của núi lửa Lewotobi Laki-Laki tại Flores Timur, Indonesia, ngày 4/11/2024. Ảnh: Antara Foto/Pemulet Paul

Theo hãng tin Reuters dẫn lời ông Suharyanto, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Indonesia, việc di dời vĩnh viễn các hộ dân được coi như một biện pháp giảm thiểu rủi ro “dài hạn” nhằm chuẩn bị trước cho các vụ phun trào tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

"Chúng ta không thể di chuyển núi lửa nên người dân phải di chuyển đến những nơi an toàn hơn," ông nói. Ông cũng bổ sung rằng nhà ở cho những người phải di dời sẽ được chính phủ xây dựng nhưng không công bố thêm các chi tiết khác, ví dụ như địa điểm xây dựng.

Hiện chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu di dời tất cả các cư dân sinh sống trong bán kính 7km tính từ miệng núi lửa. Nhìn chung, có tổng cộng 16.000 cư dân đang sinh sống ở các ngôi làng gần với núi lửa nhất và chính phủ vẫn đang tính toán số lượng cư dân phải di dời vĩnh viễn.

Núi lửa Lewotobi Laki Laki trên đảo Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara bắt đầu phun trào ngay sau nửa đêm ngày 4/11, sau đó phun trào lần nữa vào lúc 1h27 sáng và 2h48 sáng theo giờ địa phương.

Có khoảng 10.000 người đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào tại 6 ngôi làng lân cận là Pululera, Nawokote, Hokeng Jaya, Klatanlo, Boru và Boru Kedang ở quận Wulanggitang. Tại Quận Ile Bura, 4 ngôi làng bị ảnh hưởng bao gồm Dulipali, Nobo, Nurabelen và Riang Rita, trong khi đó tại Quận Titehena, 4 ngôi làng bị ảnh hưởng bao gồm Konga, Kobasoma, Bokang Wolomatang và Watowara.

Tính đến sáng ngày 6/11, ít nhất 9 người được ghi nhận thiệt mạng trong khi 2.500 người đã được sơ tán, ông Heronimus Lamawuran, phát ngôn viên của chính quyền khu vực đông Flores cho biết. Hiện tình trạng khẩn cấp vẫn được ban bố và sẽ được duy trì trong 57 ngày tới trong khi mọi hoạt động trong phạm vi 7km tính từ miệng núi lửa tiếp tục bị cấm hoàn toàn.

Ở một diễn biến khác, cơ quan núi lửa Indonesia ngày 5/11 đã nâng mức cảnh báo của một ngọn núi lửa khác là Iya nằm ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, cách núi nửa Lewotobi Laki-laki khoảng 200km do hoạt động núi lửa "gia tăng".

Reuters dẫn lời ông Hadi Wijaya, phát ngôn viên của cơ quan núi lửa, cho biết hoạt động tăng của Núi Iya không liên quan đến các vụ phun trào của núi lửa Lewotobi Laki-laki.

Indonesia là một quốc gia thường xuyên ghi nhận các vụ phun trào núi lửa do vị trí địa lý nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một khu vực có hoạt động núi lửa và địa chấn mạnh. Hồi tháng 12 năm ngoái, một vụ phun khiến ít nhất 24 người leo núi, trong đó hầu hết là sinh viên đại học, thiệt mạng.

Tới tháng 5/2024, hơn 60 người đã thiệt mạng sau khi mưa lớn cuốn trôi vật liệu núi lửa từ Marapi vào các khu dân cư. Trong cùng tháng, Núi Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi tiếp tục phun trào liên tục, buộc hàng nghìn người dân trên các đảo gần đó phải sơ tán.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/indonesia-di-doi-nhieu-cu-dan-sau-vu-phun-trao-nui-lua-dao-flores-35356.html