Indonesia huy động gần 4.000 người tham gia cứu hộ vụ máy bay rơi
Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 12/1 đã điều một tàu có thiết bị lặn từ xa cùng hàng chục tàu khác để tìm kiếm hộp đen của chiếc Boeing 737-500 lao xuống biển.
Giới chức Indonesia đã huy động thêm hàng ngàn người và nhiều thiết bị cứu hộ hiện đại để tìm kiếm nạn nhân và hộp đen máy bay của hãng hàng không Sriwijaya bị rơi cuối tuần trước.
Chuẩn tướng Sarman - Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, cho biết, ngày 12/1, Chính phủ đã huy động tổng cộng 3.600 nhân viên cứu hộ, tăng 2.600 người so với trước đó 1 ngày, cùng một tàu có thiết bị lặn điều khiển từ xa để tham gia tìm kiếm nạn nhân và hộp đen.
“Hy vọng của chúng tôi là với các nguồn lực của mình, khả năng phát hiện dưới nước sẽ được tối đa hóa, với sự hỗ trợ của thời tiết thân thiện,” ông Sarman cho hay.
Theo tướng Sarman, một thiết bị lặn điều khiển từ xa đã được điều động tới vị trí tìm kiếm, ít nhất 160 người nhái hôm nay sẽ triển khai để đẩy nhanh nỗ lực thu hồi hộp đen.
Indonesia đã triển khai chiến dịch tìm kiếm cứu nạn từ ngày 9/1 với sự tham gia của nhiều lực lượng và phương tiện tại vùng biển xung quanh quần đảo Seribu - khu vực được cho là địa điểm máy bay rơi.
Ngoài một số mảnh vỡ máy bay, quần áo, tư trang cũng như các mảnh thi thể, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cũng phát hiện tín hiệu hộp đen cách mặt nước khoảng 23 mét.
Tuy nhiên, thợ lặn hải quân Indonesia vẫn chưa thể thu hồi 2 hộp đen máy bay gặp nạn do chúng nằm giữa nhiều mảnh kim loại sắc nhọn dưới đáy biển.
Tàu hải quân Indonesia hôm 10/1 đã thu được tín hiệu "ping" phát ra từ hai hộp đen trên chiếc Boeing 737-500 gặp nạn. Chiếc máy bay chở 62 người lao xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta trong mưa lớn hôm 9/1.
Đô đốc Yudo Margono - Tư lệnh hải quân Indonesia cho biết, các thợ lặn sử dụng thiết bị "định vị ping" công nghệ cao để xác định vị trí hộp đen hộp đen dưới đáy biển toàn bùn ở độ sâu khoảng 20 mét, nhưng gặp nhiều khó khăn do hộp đen bị chôn vùi dưới hàng tấn mảnh kim loại sắc nhọn của xác máy bay.
Thông tin trong 2 hộp đen chứa dữ liệu hành trình bay và ghi âm buồng lái sẽ là chìa khóa giải thích nguyên nhân máy bay rơi.
Ông Soerjanto Tjahjono - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia, loại trừ khả năng máy bay phát nổ giữa không trung sau khi xem xét tình trạng các mảnh vỡ mà thợ lặn tìm thấy.
Ông Tjahjono cho biết, máy bay vẫn còn nguyên vẹn trước khi va vào mặt nước với tốc độ cao, nên mảnh vỡ tập trung ở một chỗ, thay vì văng ra một khu vực rộng lớn nếu phát nổ giữa không trung.
Cả 2 phi công trên chuyến bay Sriwijaya Air Flight 182 đều có kinh nghiệm và hãng Sriwijaya chưa ghi nhận bất kỳ vụ tai nạn nào kể từ khi được thành lập năm 2003. Trong khi đó, máy bay Boeing 737-500, được đưa vào hoạt động hơn 26 năm, nhưng cũng có kết quả bay an toàn.
Trong khi đó, đại diện của Boeing và Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ đến Jakarta trong tuần này để giúp điều tra vụ tai nạn.
Lực lượng cứu nạn đã chuyển 74 túi đựng thi thể tới khu vực nhận dạng của cảnh sát.
Cảnh sát hôm 11/1 cho biết đã nhận dang được nạn nhân đầu tiên là Okky Bisma, 29 tuổi, nam tiếp viên hàng không./.