Indonesia khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên
Ngày 2.10, Indonesia đã khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á với tốc độ tối đa lên đến 350 km/giờ. Đây là một dự án trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ nhằm giảm thời gian đi lại giữa thủ đô Jakarta và một thành phố lớn khác.
Tuyến tàu nối giữa thủ đô Jakarta và thành phố Bandung - thủ phủ tỉnh Tây Java, dài 138 km, có chạy bằng điện và không phát thải carbon trực tiếp. Giới chức Indonesia cho biết tuyến đường sắt mới giúp giảm thời gian di chuyển giữa 2 thành phố từ 3 giờ xuống còn 45 phút.
Theo AP, đoàn tàu dài 209 m, có khả năng chở 601 hành khách. Đáng chú ý, đoàn tàu được điều chỉnh để phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Indonesia, cũng như được trang bị hệ thống an toàn để có thể ứng phó với động đất, lũ lụt và các tình huống khẩn cấp khác.
Dự án trên nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, có tổng chi phí 7,3 tỉ USD, do Công ty PT Kereta Cepat Indonesia China (PT KCIC) chịu trách nhiệm xây dựng. PT KCIC là liên doanh giữa 4 công ty nhà nước Indonesia và Công ty Đường sắt quốc tế Trung Quốc.
Ông Dwiyana Slamet Riyadi, Giám đốc PT KCIC, nhận định tuyến đường sắt này không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo và đường sắt của Indonesia.
Indonesia và Trung Quốc ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Jakarta - Bandung từ năm 2015. Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành vào năm 2019 nhưng bị trì hoãn do tác động của đại dịch Covid-19, tranh cãi về giải phóng mặt bằng và vấn đề môi trường. Chi phí của dự án cũng tăng từ 4,3 tỉ USD (dự kiến ban đầu) lên 7,3 tỉ USD.
Dự án này là một phần của kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 750 km đi qua 4 tỉnh trên đảo chính Java và kết thúc tại thành phố Surabaya - thủ phủ tỉnh Đông Java.
Bộ trưởng Điều phối biển và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết Công ty Đường sắt quốc tế Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao công nghệ để Indonesia có thể tự sản xuất đoàn tàu cao tốc trong tương lai.