Indonesia khánh thành trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất ASEAN

Ngày 9/11, sau 3 năm xây dựng và hơn 100 triệu USD đầu tư, Indonesia đã chính thức khánh thành trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á hiện tại, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực hướng tới việc chuyển đổi xanh.

Trang trại năng lượng mặt trời nổi Cirata tại Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP

Trang trại năng lượng mặt trời nổi Cirata tại Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP

Hãng tin AFP trích bài phát biểu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp khánh thành dự án ngày 9/11: “Hôm nay là một ngày mang tính lịch sử, vì giấc mơ xây dựng một trang trại năng lượng tái tạo trên quy mô lớn của chúng ta cuối cùng đã đạt được”.

Dự án này hiện đang là “trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất ở Đông Nam Á và lớn thứ 3 trên thế giới”, ông Widodo nói.

Nhận định về tương lai, Tổng thống Indonesia nói: “Hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo được xây dựng ở đất nước chúng tôi như năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt và gió”.

Mang tên Cirata, trang trại điện mặt trời nổi được xây dựng trên hồ chứa rộng 200ha ở Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 130km. Dự án này là sự hợp tác giữa công ty điện lực quốc gia Indonesia Perusahaan Listrik Negara (PLN) và công ty năng lượng tái tạo Masdar có trụ sở tại Abu Dhabi.

Ngoài ra, dự án còn được tài trợ bởi các công ty lớn bao gồm Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Societe Generale và Standard Chartered.

Với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD, trang trại dự kiến có thể sản xuất đủ điện cho khoảng 50.000 hộ gia đình.

Hiện công suất đỉnh của dự án đang là 192 megawatt và sẽ được mở rộng lên 500 MWp, theo Tổng thống Widodo. Về phía PLN, tập đoàn này cho biết công suất đỉnh còn có thể gia tăng tới 1.000 megawatt.

Dự án Cirata nhận được nhiều sự ủng hộ, trong đó bao gồm các nhà hoạt động môi trường. AFP dẫn lời nhà vận động Didit Haryo Wicaksono của Greenpeace Indonesia cho biết: “Xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời nổi bằng cách tận dụng đất trống hoặc hồ chứa sẽ là động lực chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia”.

Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và mức phát thải ròng bằng 0 trong ngành điện vào năm 2050. Theo kế hoạch Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng trị giá 20 tỷ USD, Jakarta đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành điện lên mức cao nhất là 250 triệu tấn vào năm 2030.

Indonesia cũng đang cố gắng khẳng định mình là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thị trường xe điện với tư cách là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới - một thành phần quan trọng của pin lithium-ion.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/indonesia-khanh-thanh-trang-trai-dien-mat-troi-noi-lon-nhat-asean-post29013.html