Indonesia khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, sáng 13/1, Indonesia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 toàn quốc miễn phí với mục tiêu cung cấp vaccine cho 181,5 triệu người tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.

Máy bay chở lô vaccine Sinovac thứ 3 hạ cánh tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Máy bay chở lô vaccine Sinovac thứ 3 hạ cánh tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một sự kiện được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là người đầu tiên được tiêm vaccine CoronaVac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất và được Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 11/1. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết gần 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine trong tháng 2, tiếp đó các công chức và người dân sẽ được tiêm chủng trong vòng 15 tháng. Ông cùng toàn bộ thành viên nội các và đại diện các tổ chức tôn giáo cũng được tiêm chủng trong ngày 13/1.

Chiến dịch tiêm chủng trên được tiến hành chỉ hai ngày sau khi Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine của công ty Sinovac. Hôm 12/1, Indonesia đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 gồm 15 triệu liều từ công ty Sinovac Biotech. Trước đó, quốc gia này đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vào ngày 6/12 và thêm 1,8 triệu liều khác vào ngày 31/12.

Hiện Indonesia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Ngày 12/1, quốc gia này đã ghi nhận thêm 302 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất trong ngày từ trước đến nay. Tính đến nay, Indonesia đã có tổng cộng 846.765 ca mắc COVID-19, trong đó 24.645 ca tử vong.

* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 12/1, Chính phủ Peru cho biết sẽ thanh toán khoảng 26 triệu USD để mua 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Tập đoàn Sinopharm. Đây là một phần trong thỏa thuận với công ty của Trung Quốc nhằm cung cấp 38 triệu liều cho chương trình tiêm chủng toàn quốc tại Peru. Theo số liệu sơ bộ, vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm nghiên cứu và sản xuất có hiệu quả vào khoảng 79,34% và đã được Trung Quốc cấp phép sử dụng hồi cuối tháng 12/2020. Tuần trước Tổng thống Fracisco Sagasti thông báo đạt thỏa thuận với Sinopharm về việc cung cấp lô vaccine đầu tiên trong tháng 1.

Ngoài ra, Chính phủ Peru cũng đang đàm phán với khoảng 10 công ty dược phẩm để mua vaccine sau khi đã chuẩn bị một khoản ngân sách khoảng 2,7 tỷ USD cho năm 2021 để mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình tiêm chủng quốc gia và một số chi phí y tế khác. Tới nay, Peru đã ghi nhận 1,37 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 38.000 ca tử vong.

Phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một nhóm chuyên gia của tổ chức này tại Trung Quốc đang làm việc với các nhà sản xuất vaccine Sinovac và Sinopharm để đưa vaccine ngừa COVID-19 của họ vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiện nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc đang đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế trước khi đưa những vaccine này vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh WHO sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà sản xuất vaccine trên toàn thế giới nhanh chóng cung cấp các dữ liệu cần thiết để tổ chức này đánh giá khả năng đưa các vaccine vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Hữu Chiến - Hoài Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-khoi-dong-chien-dich-tiem-chung-vaccine-ngua-covid19-toan-quoc-20210113123920071.htm