Indonesia ký 8 thỏa thuận song phương với nhóm G20 về chuyển đổi y tế
Bộ Y tế Indonesia vừa ký kết 8 thỏa thuận song phương với các nhà lãnh đạo thế giới trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi y tế ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia đã đạt được 8 thỏa thuận song phương với các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Theo ông Budi, Indonesia đã đạt được thỏa thuận đầu tiên với Hàn Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 lần thứ hai được tổ chức ở khu nghỉ dưỡng Bali vào ngày 27-28/10 vừa qua.
Ông Budi cho hay lĩnh vực hợp tác với Hàn Quốc phù hợp với 6 trụ cột chuyển đổi y tế hiện đang được Indonesia theo đuổi, từ mở rộng dịch vụ y tế tại các bệnh viện đến tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp dược phẩm và bệnh viện Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ thỏa thuận thứ hai, Indonesia nhất trí trao đổi thông tin với Nam Phi về cách thức cải thiện giải mã trình tự bộ gen và công nghệ mRNA.
Theo thỏa thuận thứ ba, Saudi Arabia sẽ tài trợ 5 triệu USD để cung cấp thuốc và vaccine viêm màng não cho các khách hành hương Hajj và Umrah. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arâp Thống nhất (UAE) sẽ cung cấp 10 triệu USD cho việc kiểm soát bệnh lao ở Indonesia.
Indonesia cũng tiếp tục các nỗ lực vận động ngoại giao để Saudi Arabia đóng góp ngăn chặn đại dịch thông qua Quỹ Trung gian Tài chính (FIF). Jakarta cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc gia Trung Đông này để tăng cường nghiên cứu và sản xuất VTD (vaccine, công cụ điều trị và chẩn đoán) ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Nhân lực, và Cơ quan Bảo vệ Người lao động Di cư Indonesia (BP2MI) đã tổ chức thảo luận liên quan đến các biên bản ghi nhớ (MoU) ký kết với Saudi Arabia, đặc biệt là thỏa thuận về tuyển dụng y tá.
Thỏa thuận thứ tư liên quan đến việc khám phá tiềm năng hợp tác giữa Tây Ban Nha và Indonesia. Tây Ban Nha sẽ là nước Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào nửa cuối năm 2023, trong khi Indonesia sẽ là nước Chủ tịch ASEAN vào cùng năm.
Indonesia đã đạt được thỏa thuận thứ năm với Hà Lan. Indonesia đã được Hà Lan mời làm đồng Chủ tịch Diễn đàn Sản xuất Địa phương Thế giới vào năm 2023. Bộ trưởng Budi bày tỏ hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Hà Lan, nước chủ nhà của Cơ quan Y tế châu Âu (EMA), nhằm nâng cao năng lực liên quan đến VTD, các chương trình chuyển giao kiến thức về quản lý và giám sát thuốc.
Thỏa thuận thứ sáu đã đạt được trong cuộc họp song phương giữa Indonesia và Đức liên quan đến chương trình đào tạo y tá, qua đó giúp gia tăng số lượng y tá Indonesia làm việc tại Đức.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20, Indonesia cũng ký kết thỏa thuận thứ bảy với Mỹ về thăm dò dự án thiết lập trung tâm nghiên cứu ARPA-H đặt dưới sự điều phối của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH). Theo Bộ trưởng Budi, phía Indonesia đã đề nghị NIH thành lập một đơn vị nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện tốt nhất của Indonesia nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển.
Ông Budi cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ hỗ trợ xây dựng Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia Indonesia (Labkesmas) thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác và cung cấp các chuyên gia. Ngoài ra, phía Indonesia cũng đề nghị Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ cho dự án hợp tác giữa các bệnh viện Mỹ (Boston Children, MD Anderson, Cleveland Clinic, Mayo Clinic, Joslin Diabetes, UCLA) và các bệnh viện ở Indonesia.
Cuối cùng, ông Budi cho hay thỏa thuận thứ tám đã đạt được giữa Indonesia và Brazil. Theo đó, hai nước nhất trí hợp tác về vaccine, giám sát các bệnh truyền nhiễm và xử lý virus arbovirus, cũng như nỗ lực giảm thiểu bệnh sốt rét./.