Indonesia: Nghịch lý nền bóng đá tiềm năng nhưng mãi loay hoay ao làng
ĐT Indonesia là đội bóng châu Á đầu tiên tham dự một kỳ World Cup. Tuy nhiên, từ xuất phát điểm thuận lợi ấy, bóng đá xứ Vạn Đảo ngày càng sa sút.
Dân số là một trong những yếu tố tạo nên nền bóng đá mạnh. Suy cho cùng có bột mới gột nên hồ. Các quốc gia ít dân chỉ phát triển đến chừng mực nào đó vì nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, dân số thôi là chưa đủ, tỷ lệ người hâm mộ trên dân số mới quan trọng. Vì vậy, Trung Quốc hay Ấn Độ dù đều trên tỷ dân nhưng bóng đá tại những quốc gia này chưa bao giờ phát triển trong châu lục chứ đừng nói đến thế giới, bởi ngoài dân số còn phải tính cả thể chất.
Ví dụ sinh động hơn nữa là Trung Quốc từng có giai đoạn đầu tư mạnh vào bóng đá dựa trên ý chí của những người đứng đầu. Bất chấp hàng tỷ đô được chi ra để xây học viện hay chiêu mộ ngôi sao đi chăng nữa, bóng đá ở đất nước đông dân nhất thế giới vẫn đì đẹt bởi dân thích chơi cờ tướng, đánh bóng bàn hoặc võ thuật hơn là tranh nhau trái bóng.
Tóm lại, Trung Quốc hay Ấn Độ tuy đông dân nhưng không hề hình thành văn hóa bóng đá. Bởi vậy, khi đánh giá về các quốc gia châu Á, tờ DW của Đức không đánh giá cao tiềm năng của hai quốc gia tỷ dân. “Con rồng châu Á” trong mắt DW là Indonesia. Đất nước Đông Nam Á này xếp thứ tư thế giới về dân số, với hơn 275 triệu dân.
Quan trọng hơn nữa, bóng đá tại Indonesia được tôn thờ như thứ tôn giáo, tới mức mỗi người hâm mộ là một tín đồ. Bởi vậy các chính trị gia nước này luôn đề cao môn thể thao vua như phương tiện kết nối toàn dân vốn bị chia tách trên hàng ngàn hòn đảo. Tại xứ vạn đảo, bất cứ nơi nào diễn ra trận đấu bóng đá, đó đều là ngày hội. Nếu đội tuyển quốc gia ra sân, đó là quốc lễ.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam chẳng lạ lẫm gì hình ảnh chỉ một nhúm CĐV Indonesia cũng đủ sức tạo ra sự sôi động bằng hàng ngàn CĐV đối phương mỗi khi Quái điểu Garuda hành quân xa nhà. Còn mỗi khi đội tuyển Indonesia được thi đấu trên nhà, chủ yếu là chảo lửa Bung Karrno, thì các vị khách chẳng khác nào bị ném vào đấu trường La Mã cổ đại, với thứ thanh âm huyên náo đến man rợ.
Và không chỉ sở hữu niềm đam mê bóng đá cuồng nhiệt, Indonesia còn là quốc gia giàu truyền thống bóng đá. Môn thể thao này du nhập vào xứ vạn đảo từ rất sớm. Khi mà nhiều quốc gia châu Á còn chưa hình dung được trái bóng tròn hay méo, đội tuyển Indonesia, dưới cái tên Đông Ấn Hà Lan, đã tham dự World Cup 1938, trở thành đội tuyển châu Á đầu tiên tham dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới.
Ngoài ra, Indonesia từng 2 lần liên tiếp lọt vào bán kết môn bóng đá nam Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) và 3 lần vô địch Merkeda Cup vào các năm 1961, 1962 và 1969, một trong những giải đấu danh giá nhất châu Á trong thập niên 1960. Tóm lại, Indonesia là quốc gia đông dân, văn hóa bóng đá phát triển lâu đời và sâu rộng. Đó là những nền tảng vững chãi để bóng đá nước này vươn xa, ít nhất là tầm châu lục. Tuy nhiên, thực tế lại khác.
Đội tuyển Indonesia luôn nằm trong số những ông lớn của bóng đá Đông Nam Á. Như đã phân tích, quốc gia này đông dân lại đam mê bóng đá, do đó nguồn cung cầu thủ luôn dồi dào. Không những thế, các cầu thủ xứ Vạn Đảo lại có nhiều ưu điểm về thể chất trong khu vực. Họ nhanh nhẹn, khéo léo và luôn thi đấu máu lửa. Bất kể thịnh suy, thời nào bóng đá Indonesia cũng đều sản sinh ra những tài năng nổi tiếng đến người hâm mộ các quốc gia lân bang cũng phải biết mặt, nhớ tên. Chẳng hạn như Kurniawan Dwi Yulianto, Hendro Kartiko, Bambang Pamungkas hay Firman Utina.
Tuy nhiên, thật quái lạ, nếu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore hay Malaysia đều đã xưng vương tại AFF Cup, tiền thân là Tiger Cup, thì Quái điểu Garuda chưa từng đăng quang. Đội bóng này có thể ví là vua về nhì bởi trong lịch sử AFF Cup. Bằng chứng là không một đội tuyển nào giành ngôi á quân nhiều như Indonesia, với tổng cộng 6 lần.
Tại đấu trường SEA Games, Indonesia cũng chưa thể giành tấm huy chương vàng môn bóng đá nam kết từ năm 1991 đến nay, tức hơn 30 năm trôi qua. Loanh quanh ao làng còn chưa lập nên công trạng, tất nhiêu bóng đá xứ vạn đảo khi bước ra trường châu lục càng chẳng có chút tiếng tăm gì. Trên bảng xếp hạng FIFA, Indeonsesia hiện đứng tận vị trí thứ 151, tính riêng khu vực Đông Nam Á cũng là tận thứ tư chứ không cần xét đến châu Á.
Một trong những vấn đề quan trọng khiến Indonesia chưa thể bước lên đỉnh Đông Nam Á chính là bản lĩnh quân vương. Tuy dồi dào tài năng và thi đấu máu lửa, đội tuyển Indonesia luôn thiếu sự vững vàng và lạnh lùng ở thời điểm quyết định. Trong 6 lần về nhì ở AFF Cup, không ít lần Quái điểu Garuda được đánh giá cao hơn hay thậm chí chơi trên cơ đội thủ nhưng rốt cuộc vẫn chuốc lấy thất bại.
Cũng chẳng cần dẫn chứng đâu xa, ngay tại vòng bảng AFF Cup 2022, Indonesia đáng ra đã có thể tránh được Việt Nam ở bán kết nếu đánh bại được Thái Lan. “Đánh bại Thái Lan” nghe chừng viển vông nhưng thực tế Voi chiến không đem đội hình mạnh nhất dự kỳ AFF Cup này. Hơn nữa, Indonesia được chơi trên sân nhà và có thời điểm vừa dẫn trước vừa chơi hơn người. Thế nhưng, rốt cuộc Thái Lan vẫn tìm được bàn gỡ hòa và hú hồn rời Bung Karno cùng ngôi đầu bảng.
Thành công luôn lảng tránh bóng đá Indonesia là bởi khâu quản lý của đất nước này thực sự có vấn đề. Trong quá khứ, các vấn đề ngoài sân cỏ đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá Indonesia. Những doanh nhân đầu tư vào bóng đá nhằm khai thác “lợi nhuận” từ niềm đam mê mãnh liệt và khổng lồ của người hâm mộ xứ Nam Dương hơn là đầu tư cho sự phát triển lâu dài.
Ông Nurdin Halid chính là hiện thân cho sự mục ruỗng của giới chức bóng đá Indonesia. Vị chính trị gia này là chủ tịch PSSI giai đoạn 2003 đến 2011. Năm 2004, ông này bị bỏ tù vì liên quan đến bê bối phân phối dầu ăn nhưng đằng sau song sắt vẫn tiếp tục điều hành bóng đá đất nước vạn đảo. Điều đáng nói, ông Halid còn bị cáo buộc tích lũy tài sản bất hợp pháp cho bản thân và các cộng sự thân cận. Trong đó có khoảng 100 triệu rupiah, tương đương 11.000 USD, số tiền tài trợ của chính phủ để phát triển một đội bóng ở phía đông tỉnh Kalimantan.
Sau khi Nurdin Halid bị loại bỏ, bóng đá Indonesia lại rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực giữa hai hiệp hội bóng đá, trong đó tồn tại một lúc hai giải đấu là VĐQG Indonesia (Indonesia Premier League – IPL)) và Indonesia Super League (ISL), giải đấu không được PSSI và FIFA công nhận. Vì vậy, đội tuyển Indonesia từng bị FIFA cấm tham dự các giải đấu quốc tế từ năm 2014 đến 2016. Dàn xếp tỷ số cũng là vấn nạn kéo dài đối với bóng đá Indonesia, khi chỉ mới năm ngoái có 6 cầu thủ bị treo giò vì cố tình làm sai lệch tỷ số trận đấu. Vào năm 2019 thì một số quan chức của PSSI, bao gồm cả vị chủ tịch lâm thời Joko Driyono bị bắt.
Một vấn đề khác của bóng đá Indonesia và vấn nạn báo lực. Vì yếu kém trong khâu quản lý nên PSSI không thể kiểm soát lượng quá lớn người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, dẫn đến tình trạng cực đoan trong cổ vũ. Theo ghi nhận, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ côn đồ bóng đá cao nhất châu Á. Năm 1994, một thảm kịch từng xảy ra tại nước này khiến 74 CĐV thiệt mạng. Và mới hồi tháng 10 năm ngoái, một thảm kịch khác gây nên cái chết của 182 ngưới hâm mộ, chưa kể con số 300 bị thương.
Được yêu mến nhất tại Malang, Đông Java, Indonesia, thế nên mỗi trận đấu của Arema FC là một ngày hội đối với người dân thành phố này. Hàng chục ngàn thanh niên trai tráng, những người tự gọi mình là Aremania, lèn kín khán đài Kanjuruhan vào tối thứ Bảy, với hy vọng đội bóng yêu quý sẽ đánh bại Persebaya Surabaya, đối thủ họ luôn đánh bại suốt 23 năm qua.
Nhưng lần này Arema lại thua với tỷ số 2-3, và những CĐV quá khích bắt đầu tràn vào sân cùng cơn thịnh nộ. Những gì diễn ra tiếp theo đã trở thành thảm họa chết chóc kinh hoàng nhất trong lịch sử thể thao thế giới: Cảnh sát bắt đầu bắn đạn hơi cay vào đám đông và đánh CĐV bằng dùi cui, những người khác vội vàng và hoảng loạn chen lấn thoát ra khỏi sân bóng đá bị biến thành đấu trường qua những cánh cổng hẹp, từng lớp người này đè lên lớp người khác.
“Tôi vẫn đang nghĩ: Cơn ác mộng vừa qua có phải sự thực không?”, Felix Mustikasakti Afoan Tumbaz, một CĐV 23 tuổi bị thương ở chân phải vì bị đạn hơi cay bắn vào người, nói. “Làm thế nào thảm kịch như vậy có thể xảy ra và khiến nhiều người chết đến thế?!”.
Một trong những tác nhân chính gây nên thảm kịch là việc cảnh sát địa phương sử dụng hơi cay, thứ vũ khí giải tán đám đông, trong khi sân bóng lại đang chật cứng người và gần như không lối thoát. Vì vậy, mạng xã hội tại Indonesia xuất hiện làn sóng chỉ trích và kêu gọi ông Cảnh sát trưởng Cảnh sát Quốc gia từ chức.
Bạo lực sân cỏ, những cuộc đụng độ gây thiệt hại về người giữa các nhóm CĐV hung tợn là căn bệnh trầm kha của bóng đá Indonesia. Một số đội bóng còn có những hội CĐV hoạt động như một đội quân và có cả chỉ huy. Pháo sáng thường xuyên ném xuống sân, và cảnh sát chống bạo đồng cũng ngày càng hiện diện đông đảo trong các trận bóng. Kể từ năm 1990, hàng chục CĐV đã thiệt mạng vì bạo lực sân cỏ.
Nhưng Indonesia chưa bao giờ trải qua thảm kịch nào khủng khiếp như vừa rồi. Biến cố tại sân Kanjuruhan dường như là hồi chuông réo rắt nhất có thể để cảnh tỉnh các nhà chức trách về những nguy cơ tiềm ẩn trong bóng đá. Tại Indonesia, bóng đá đáng ra phải phát triển, bóng đá đáng ra là phương tiện kết nối dân chúng. Nhưng rốt cuộc, bóng đá để lại nỗi buồn chiến bại và niềm đau thảm kịch. Đơn giản, chẳng nền bóng đá nào có thể phát triển bằng tham nhũng, bạo lực, hơi cay hay dùi cui.