Indonesia nỗ lực vượt qua thách thức

Nền kinh tế Indonesia đang đối mặt khó khăn, do sự suy giảm trong lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu, cùng những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ 'đất nước vạn đảo' đang quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong nỗ lực đưa nền kinh tế hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.

Công nhân làm việc tại cảng biển ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh Reuters

Công nhân làm việc tại cảng biển ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh Reuters

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Indonesia xuống còn 4,8% vào năm 2020 và 5,1% năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so dự báo trước đó, do xuất khẩu và nhu cầu trong nước suy yếu. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn từ 5% đến 5,4%, so mức từ 5,1% đến 5,5% trước đó. Theo Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia, năm 2019, trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều gam mầu xám do tình trạng bất ổn kéo dài, tăng trưởng kinh tế của "đất nước vạn đảo" đạt 5,02%, thấp hơn mức 5,17% của năm 2018 và mục tiêu 5,3% mà Chính phủ đề ra. Nguyên nhân chính khiến con tàu kinh tế Indonesia không đạt tốc độ dự kiến được nhận định là do đầu tư và xuất khẩu giảm. Lĩnh vực đầu tư, vốn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Indonesia, chỉ tăng 4,45% trong năm 2019, giảm mạnh so mức 6,67% của năm 2018.

Giới chuyên gia nhận định, trong năm 2020, nền kinh tế Indonesia tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Các nhà quản lý du lịch Indonesia mới đây cảnh báo, số lượng khách đến "đất nước vạn đảo" sẽ giảm mạnh trong năm nay, do những tác động của dịch Covid-19. Trước khi bùng phát dịch, Indonesia đón khoảng hai triệu du khách Trung Quốc mỗi năm. Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài khoảng một năm, ngành du lịch nước này sẽ gánh chịu thiệt hại lên tới 2,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn và là điểm đến hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu Indonesia. Khoảng 50% hàng hóa nhập khẩu của Indonesia từ Trung Quốc là các mặt hàng công nghiệp. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đe dọa tác động tiêu cực ngành công nghiệp của Indonesia.

Trước thực trạng này, Chính phủ Indonesia đã quyết liệt đưa ra nhiều biện pháp nhằm đưa nền kinh tế vững vàng vượt qua giai đoạn nhiều sóng gió hiện nay. Bộ Tài chính Indonesia cho biết, trong quý I-2020, Chính phủ nước này đã đẩy nhanh việc mở rộng các chương trình tín dụng doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách kích thích du lịch nội địa cũng được chú trọng, theo đó xây dựng và hỗ trợ các điểm du lịch ưu tiên như hồ Toba, đền Borobudur…, đồng thời giảm giá cho du khách trong nước và nước ngoài. Tổng thống J.Widodo cũng yêu cầu tiếp tục cải thiện chất lượng của ngành công nghiệp không khói này.

Bên cạnh đó, đầu tư được coi là chìa khóa quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Indonesia, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Ủy ban điều phối đầu tư của nước này đặt mục tiêu nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của Indonesia lên 64,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 9,4% so năm 2019. Ðể hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Tổng thống Indonesia yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Về các biện pháp trong dài hạn, Chính phủ Indonesia xác định, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hoạt động năm 2020, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng kinh tế. Mới đây, Bộ Nhân lực Indonesia đã phân bổ khoảng 380 triệu USD cho các trung tâm dạy nghề trên cả nước, nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Người đứng đầu Cơ quan phát triển và đào tạo năng lực lao động thuộc Bộ Nhân lực Indonesia B.Lê-lô-nô nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới liên tục biến động hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Giới chuyên gia kỳ vọng, những biện pháp quyết liệt được Chính phủ Indonesia triển khai trong thời gian qua sẽ mang lại tác động tích cực đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế "đất nước vạn đảo", giúp con tàu kinh tế nước này vững vàng trước sóng gió.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43933202-in-do-ne-xi-a-no-luc-vuot-qua-thach-thuc.html