Indonesia nới lỏng qui định quyền sở hữu của nước ngoài

Chính phủ Indonesia đã nới lỏng một số qui định về quyền sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải.

 Indonesia cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 49% trong những dự án trồng cây lương thực, đặc biệt là trồng lúa. Ảnh minh họa

Indonesia cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 49% trong những dự án trồng cây lương thực, đặc biệt là trồng lúa. Ảnh minh họa

Về nông nghiệp, Sắc lệnh của Tổng thống Indonesia cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 49% trong những dự án trồng cây lương thực, đặc biệt là trồng lúa tại những vùng như Papua. Trong các dự án phát triển giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được sở hữu tối đa 49%. Đối với các dự án xây bệnh viện, phía nước ngoài được sở hữu tối đa tới 67%.

Indonesia cũng đang xem xét khả năng cho nâng mức sở hữu của nước ngoài trong các dự án về giáo dục từ 49% hiện nay lên 51%.

Giảm 25% bạo lực, tiết kiệm được 1.700 tỷ USD/năm

Theo báo cáo “Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2010” do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP – trụ sở tại TP Sydney, Australia), ước tính bạo lực trong năm 2010 đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu tới 7.000 tỷ USD. Báo cáo nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đã làm tăng tỷ lệ tội phạm và bất ổn, nhưng ít có nguy cơ làm bùng lên các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu.

New Zealand đứng đầu danh sách các nước ổn định nhất về chính trị, an ninh, an toàn và có quan hệ hài hòa với nước láng giềng.

5 nước Bắc Âu đều nằm trong nhóm 10 nước hòa bình nhất. Các nước Tây Âu tiếp tục được xếp trong nhóm 20 nước thuộc khu vực hòa bình nhất.

Iraq, Somalia, Afghanistan là các nước ít hòa bình nhất. Các nước ở khu vực Nam Á, Syria, Gruzia, Philippines, Nga và Síp là những nước bị tụt hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng này.

IEP ước tính nếu giảm được 25% mức độ bạo lực, thế giới có thể tiết kiệm 1.700 tỷ USD mỗi năm.

“Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2010” do IEP thực hiện dựa trên các nghiên cứu và khảo sát ở các lĩnh vực chủ yếu của xung đột, các nhân tố an toàn, an ninh và quân sự ở 149 nước. Nhiều biểu hiện bạo lực và nỗi lo ngại về tội phạm tăng lên trong dân chúng bắt nguồn từ hậu quả khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Chiến

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/indonesia-noi-long-qui-dinh-quyen-so-huu-cua-nuoc-ngoai/20106/32174.vgp