Indonesia tăng mức cảnh báo đối với núi lửa Merapi
Ngày 5/11, Cơ quan Địa chất Indonesia đã nâng mức cảnh báo nguy hiểm liên quan đến hoạt động bất thường của núi lửa Merapi trên đảo Java, nơi có đông dân cư sinh sống, đồng thời đề nghị dừng mọi hoạt động du lịch cũng như khai thác mỏ ở khu vực này.
Cụ thể, cơ quan trên đã tăng mức cảnh báo từ cấp độ 3, được áp đặt kể từ khi núi lửa Merapi bắt đầu hoạt động trở lại năm 2019, lên mức độ 2, sau các thiết bị cảnh báo ghi nhận hoạt động núi lửa đang gia tăng.
Phát ngôn viên của Cơ quan Giảm thiểu thiệt hại thiên tai quốc gia, ông Raditya Jati cho biết tình trạng hiện nay có thể gây ra hiện tượng chuyển động của magma (đá nhão nóng chảy trong lòng đất) hoặc bùng phát núi lửa. Ngoài các nhân viên làm nhiệm vụ và các nhà nghiên cứu được phép vào khu vực này, quan chức trên đề nghị cơ quan chức năng ngừng toàn bộ hoạt động leo núi Merapi cũng như việc khai thác mỏ dọc theo các con sông quanh núi lửa.
Giám đốc Trung tâm Giảm thiệt hại địa chất và núi lửa thành phố Yogyakarta, ông Hanik Humaida khuyến cáo người dân sống tại khu vực Merapi nên giữ khoảng cách 5 km từ miệng núi lửa.
Núi lửa Merapi cao 2.968 m, là một trong 129 núi lửa còn hoạt động tại Indonesia và nằm cách trung tâm thành phố Yogyakarta khoảng 30 km. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, núi lửa này đã phun trào 15 lần. Merapi là núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Indonesia và lần gầy đây nhất núi lửa này đã phun trào tro bụi cao tới 6 km, buộc giới chức phải ban bố cảnh báo hàng không mức cao nhất. Đã có 353 người đã thiệt mạng và khoảng 350.000 người khác phải sơ tán trong lần Merapi phun trào hồi tháng 10-11/2010. Đây là vụ phun trào tồi tệ nhất của Merapi kể từ năm 1930, thời điểm núi lửa "thức giấc" và khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng. Hiện có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong bán kính 10km.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực ẩn chứa nhiều bất ổn về các hoạt động địa chấn, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất hoặc núi lửa phun trào.