Indonesia tăng tốc phát triển nền kinh tế Hồi giáo
Chính phủ Indonesia đưa ra các trọng tâm để phát triển nền kinh tế Hồi giáo, trong đó nhấn mạnh phát triển ngành tài chính Hồi giáo.
Phát biểu ngày 25/9 tại Hội nghị đầu tư Bizare 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin nêu 4 ưu tiên phát triển mà chính phủ nước này sẽ tập trung nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế và tài chính Hồi giáo.
Thứ nhất, phát triển các khu công nghiệp Halal, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho các tín đồ Hồi giáo.
Chính phủ sẽ đưa ra các ưu đãi cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác hợp tác với khối doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Thứ hai, phát triển ngành tài chính Hồi giáo nhằm xây dựng một hệ thống tài chính mạnh mẽ và hiện đại, hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại hiệu quả hơn. Chính phủ Indonesia cũng đã nỗ lực thúc đẩy năng lực tài chính Hồi giáo khi thành lập Ngân hàng Syariah Indonesia (BSI).
Thứ ba, mở rộng các quỹ xã hội Hồi giáo. Một trong những bước quan trọng của chính phủ Indonesia là tiến hành chuyển đổi tài sản từ thiện cho tôn giáo phù hợp.
Thứ tư, mở rộng các hoạt động kinh doanh Hồi giáo. Đây là chiến lược quan trọng để cải thiện tình hình kinh tế tài chính của các tín đồ Hồi giáo, trong đó xây dựng các trung tâm đào tạo doanh nhân, các cơ sở phát triển kinh doanh theo tôn giáo ở các vùng miền khác nhau.
Đây là những bước đi quan trọng của chính phủ Indonesia trong Kế hoạch Phát triển kinh tế Hồi giáo giai đoạn 2019-2024 nhằm khai thác tiềm năng của thị trường gần 90 triệu tín đồ tại Indonesia.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-tang-toc-phat-trien-nen-kinh-te-hoi-giao-159742.html