Indonesia, Thái Lan tăng 'cánh' cho không quân

Trang bị thêm một loạt các máy bay mới, trong đó có cả máy bay không người lái, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước, Indonesia và Thái Lan đang từng bước làm 'dày' thêm 'bộ sưu tập' khí tài, tăng cường tiềm lực không quân, giúp nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến theo yêu cầu.

Trang bị thêm một loạt các máy bay mới, trong đó có cả máy bay không người lái, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước, Indonesia và Thái Lan đang từng bước làm “dày” thêm “bộ sưu tập” khí tài, tăng cường tiềm lực không quân, giúp nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến theo yêu cầu.

Trang bị máy bay thế hệ mới

Khai thác C-130 từ những năm 1960, có vẻ như Không quân Indonesia vẫn rất “cưng” dòng máy bay vận tải quân sự này. Tuy nhiên, vì những hao mòn trong quá trình sử dụng nên việc thay thế máy bay thế hệ cũ bằng máy bay thế hệ mới là điều tất yếu. Hiện không quân đảo quốc đang đón chờ chiếc máy bay vận tải quân sự C-130J-30 Super Hercules mới đầu tiên trong số 6 chiếc mà nước này đặt vào cuối năm nay. Hợp đồng mua sắm Super Hercules đã được Không quân Indonesia ký hồi tháng 3-2019 như là một phần chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) của Mỹ.

 C-130J Super Hercules do Lockheed Martin đóng là phiên bản tân tiến nhất của dòng máy bay vận tải chiến thuật C-130. (Ảnh: Lockheed Martin)

C-130J Super Hercules do Lockheed Martin đóng là phiên bản tân tiến nhất của dòng máy bay vận tải chiến thuật C-130. (Ảnh: Lockheed Martin)

Phiên bản thân dài này của dòng C-130 có trọng tải tối đa khoảng 20 tấn, có thể chở tối đa 128 lính bộ binh hoặc 92 lính dù. Phiên bản này cũng có tầm bay cải thiện, khoảng 4.000km, trọng tải 18.143kg.

Theo kế hoạch, 6 chiếc C-130J-30 Super Hercules sẽ được biên chế cho phi đội 31 của Không quân Indonesia, đang đóng tại căn cứ không quân Halim Perdanakusuma ở Jakarta.

Hiện Không quân Indonesia đang khai thác khoảng 23 chiếc C-130 Hercules - phiên bản pha trộn giữa C-130B/H và L-100. Trong khi đó, máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules do Lockheed Martin đóng là phiên bản tân tiến nhất của dòng máy bay vận tải chiến thuật C-130 vốn được đưa vào phục vụ lần đầu tiên năm 1956. Trong lần bay đầu tiên năm 1996, C-130J đạt tốc độ tối đa 675km/h, vận tốc hành trình 644km/h, và tầm bay tối đa 3.300km với trọng tải tối đa thông thường là 15.422kg.

Indonesia: Hợp tác để phát triển

Theo Asian Defence Technology, tháng 9-2021, PT Dirgantara Indonesia (PTDI), công ty hàng không vũ trụ của Indonesia chuyên về thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay, và Công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) đã chính thức hóa một thỏa thuận hợp tác. Điểm chính của thỏa thuận này là mở rộng sản xuất máy bay N-219 tại cơ sở của PTDI ở Bandung, Tây Java, Indonesia; hiện đại hóa và kéo dài tuổi thọ của phi đội CN-235 của Thổ Nhĩ Kỳ; hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển của TAI; và thực hiện thỏa thuận phát triển chung trong Dự án máy bay khu vực N-245 của PTDI. Thỏa thuận được ký kết bởi Elfien Goentoro - Giám đốc điều hành PTDI và Temel Kotil - Giám đốc điều hành TAI.

Nguyên mẫu đầu tiên của N-245 được kỳ vọng sẽ ra mắt tầm cuối 2024. (Ảnh: Ainonline)

Nguyên mẫu đầu tiên của N-245 được kỳ vọng sẽ ra mắt tầm cuối 2024. (Ảnh: Ainonline)

Dự án máy bay N-245 được PTDI khởi động năm 2015 nhằm phát triển một hãng hàng không khu vực với đội bay có thể phục vụ từ 40-54 ghế mỗi chuyến bay. Máy bay vận tải quân sự N-245 được phát triển dựa theo phiên bản máy bay vận tải CN-235.

Được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney Canada (PWC) PW127Z, trong đó mỗi động cơ dẫn động một cánh quạt sáu cánh, N-245 có thể hạ và cất cánh trên đường băng cỏ dài chưa đến 900m, địa hình rất phổ biến ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Indonesia.

Dự kiến nguyên mẫu đầu tiên của N-245 sẽ ra mắt công chúng vào năm ngoái, nhưng vì một số trở ngại nên dự án phải lùi lại. Chính vì vậy, người ta kỳ vọng việc ký kết thỏa thuận với TAI sẽ thúc đẩy dự án và nguyên mẫu đầu tiên sẽ được giới thiệu sau 3 năm nữa, tức là tầm cuối 2024.

Ngoài TAI, PTDI cũng ký thỏa thuận với Công ty hệ thống và phần mềm HAVELSAN của Thổ Nhĩ Kỳ để cùng phát triển một thiết bị mô phỏng cho máy bay N-219. Thỏa thuận được ký kết bởi Elfien Goentoro - Giám đốc điều hành PTDI và Mustafa Varank - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này sẽ là cơ sở cho hai công ty cùng phát triển mô hình điện tử hàng không, mô hình bay và động cơ, cũng như hệ thống máy tính và giao diện để mô phỏng máy bay N-219 của PTDI. N-219 là loại máy bay vận tải đa nhiệm hai động cơ, 19 chỗ ngồi được thiết kế thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu vùng xa. Nó có thể được sử dụng để vận chuyển hành khách dân sự, hàng hóa, sơ tán y tế, hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên...

Dự báo có tới 2.145 chiếc N-219 sẽ được PTDI xuất khẩu trong thập kỷ tới. (Ảnh: Jetphoto)

Dự báo có tới 2.145 chiếc N-219 sẽ được PTDI xuất khẩu trong thập kỷ tới. (Ảnh: Jetphoto)

PTDI dự kiến sẽ giao hàng trên toàn quốc vào năm 2022, trước khi bắt đầu xuất khẩu vào năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong và ngoài nước đối với dòng máy bay cỡ nhỏ.

Theo Giám đốc điều hành PTDI Elfien Goentoro, công ty đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất 165 chiếc N-219 từ các đối tác nước ngoài và những chiếc đầu tiên sẽ được giao sớm nhất là vào năm 2024. Dự báo có tới 2.145 chiếc N-219 sẽ được PTDI xuất khẩu trong thập kỷ tới.

Thái Lan: Trang bị thêm UAV và...

Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) sẽ mua 2 hệ thống máy bay không người lái (UAV) S-100 Camcopter do công ty Schiebel có trụ sở ở Áo thiết kế và phát triển với giá 16,66 triệu USD, nâng tổng số phi đội hệ thống S-100 của mình lên con số 4. Trước đó, năm 2019, hải quân nước này đã đặt hàng 2 hệ thống S-100 và hiện 2 hệ thống này đang hoạt động hiệu quả.

Mỗi hệ thống máy bay không người lái S-100 Camcopter bao gồm 3 máy bay. Như vậy, với 2 hệ thống mới hy vọng sẽ được giao trong năm sau, Hải quân Hoàng gia Thái Lan sẽ sở hữu 12 chiếc máy bay S-100 Camcopter. Hai hệ thống này sẽ được biên chế cho phi đội 104 thuộc Sư đoàn không quân hải quân với tư cách là đơn vị đang vận hành UAV. Đóng tại căn cứ U-Tapao, phi đội từng vận hành 18 chiếc máy bay tấn công A-7 Corsair II cho tới khi những chiếc này được loại biên năm 2007.

S-100 Camcopter UAV đã được xuất khẩu tới ít nhất 21 quốc gia. (Ảnh: Militaryleak)

S-100 Camcopter UAV đã được xuất khẩu tới ít nhất 21 quốc gia. (Ảnh: Militaryleak)

S-100 Camcopter UAV được sản xuất bởi Schiebel, một công ty của Áo chuyên về công nghệ dò mìn và máy bay trực thăng UAV. Với kích thước dài 3,11m, rộng 1,24m và cao 1,12m, S-100 Camcopter có trọng lượng 110kg với trọng lượng cất cánh tối đa là 200kg. Được trang bị động cơ quay Wankel công suất 41kW (55HP) dẫn động một cánh quạt chính dài 3,4m trong cấu hình cơ bản, S-100 có trần bay 5.500m, đạt tốc độ tối đa 220km/h, tầm hoạt động tối đa khoảng 180km, và hoạt động liên tục trong 6 giờ đồng hồ. Đặc biệt, nó có thể hoạt động 10 giờ đồng hồ liên tục nếu được trang bị thùng nhiên liệu bên ngoài AVGAS. Ngoài một loạt camera và các cảm biến phát hiện khác, S-100 còn có thể được trang bị hai điểm cứng bên ngoài để mang hai tên lửa đa năng hạng nhẹ Martlet. S-100 Camcopter UAV đã được xuất khẩu tới ít nhất 21 quốc gia. Trong khu vực ASEAN, ngoài Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Indonesia cũng đang vận hành hệ thống này.

Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA) đang trong quá trình mua 3 máy bay Daher Kodiak 100 để thay thế 4 máy bay thuộc phi đội Cessna U-17B Skywagon sắp “nghỉ hưu”. Với ngân sách khoảng 300 triệu THB (khoảng 8,9 triệu USD), việc mua sắm dự kiến cũng sẽ bao gồm gói hỗ trợ cũng như các gói đào tạo phi công và thợ máy. RTA đã vận hành 9 máy bay U-17B kể từ năm 1981. Năm 2018, một máy bay loại này đã bị rơi ở tỉnh Mae Hong Son, cách biên giới Myanmar 4km, khiến 4 người trên máy bay thiệt mạng.

Daher Kodiak 100 có khả năng thực hiện các hoạt động dưới nước nhờ chân phao mà không cần nâng cấp cấu trúc hoặc khí động học. (Ảnh: Daher)

Daher Kodiak 100 có khả năng thực hiện các hoạt động dưới nước nhờ chân phao mà không cần nâng cấp cấu trúc hoặc khí động học. (Ảnh: Daher)

Daher Kodiak 100 là máy bay phản lực cánh quạt một động cơ có khả năng vận chuyển 10 người gồm 1 phi công và 9 hành khách. Do khả năng cất cánh và hạ cánh ngắn (STOL), máy bay hạ cánh ba bánh cố định, cánh cao, không áp suất, phù hợp để hoạt động trên đường băng “ngẫu hứng”, thậm chí cả những địa hình gồ ghề nhất. Dài 10,41m, sải cánh 13,72m và cao 4,65m, Kodiak 100 có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 3.300kg. Máy bay này trước đây được sản xuất bởi Quest Aircraft (Mỹ) trước khi công ty được bán cho tập đoàn Daher của Pháp vào năm 2019. Kodiak 100 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney Canada PT6A-34, cung cấp công suất cất cánh 750shp (560kW) để lái bốn cánh quạt có đường kính 2,44m với tốc độ không đổi. Máy bay có tốc độ bay khoảng 339km/h và tầm bay tối đa khoảng 2.100km. Theo trang airrecognition, loại máy bay cánh cao này cũng có khả năng thực hiện các hoạt động dưới nước nhờ chân phao mà không cần nâng cấp cấu trúc hoặc khí động học. Thêm vào đó, khả năng chống ăn mòn hàng đầu của khung máy bay giúp bảo vệ máy bay trong môi trường có độ mặn cao.

Bên cạnh việc mua lại Kodiak 100, RTA hiện cũng đang trong quá trình mua hai chiếc Cessna C208B Caravan và một chiếc Pilatus PC-12 NGX để thay thế những chiếc Skywagons đã cũ. Hiện vẫn chưa rõ liệu tất cả các máy bay này sẽ được biên chế cho Tiểu đoàn không quân lục quân số 21 của RTA có trụ sở tại căn cứ Korat, nơi trước đây đã vận hành Cessna U-17B hay sẽ được phân phối cho các đơn vị không quân khác của RTA.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/indonesia-thai-lan-tang-canh-cho-khong-quan-677684