Indonesia thực hiện thí điểm đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than
Indonesia đã chính thức công bố kế hoạch thí điểm đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại quốc gia này, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm nay.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia đã thông báo rằng các cuộc đàm phán liên quan đến việc đóng cửa các nhà máy điện than đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và sắp đến bước hoàn tất.
Theo Tổng Thư ký của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia - Dadan Kusdiana thì việc thí điểm đóng cửa nhà máy điện than của nước này sẽ được hoàn thành trước khi Hội nghị lần thứ 28 của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 28) diễn ra từ ngày 30/11 tại Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo kế hoạch, Indonesia dự định đóng cửa hai nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Tây Java, bao gồm nhà máy Cirebon 1 với công suất 660 MW. Công tác đóng cửa này sẽ được thực hiện theo cơ chế chuyển đổi năng lượng, với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Điều kiện để tái cấp vốn cho nhà máy này là phải đóng cửa trước thời hạn, với thời gian hoạt động dự kiến từ 10 đến 15 năm trước khi hết hạn hoạt động 50 năm.
Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện Pelabuhan Ratu cũng dự kiến sẽ ngừng hoạt động, với một phần tài trợ từ chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, với tổng số vốn cam kết lên tới 20 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Indonesia đang tiến hành giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo rằng việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than có thể được bắt đầu và hoàn thành trước cuối năm nay, theo sự ủy quyền của Tổng thống và sự hỗ trợ từ Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản.
Điều này đánh dấu một bước quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng tại Indonesia.
Trước đó, Indonesia cũng triển khai kế hoạch dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2023 và sẽ tập trung vào các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Indonesia đang bị bỏ lại khá xa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với các quốc gia Đông Nam Á dù nước này sở hữu rất nhiều các nguồn năng lượng tái tạo cũng như năng lượng mới dồi dào.
Tính đến năm 2020, các nguồn năng lượng mới và tái tạo mới chiếm 11,5% lưới điện quốc gia. Trong đó, than đá chiếm gần 40% tổng năng lượng cả nước. Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tạo ra 23% năng lượng cả nước từ các nguồn mới và tái tạo vào năm 2025.