Indonesia tỉnh táo phản pháo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Công hàm của Trung Quốc gây choáng váng cho Indonesia cũng như các nhà nghiên cứu còn bán tín bán nghi. Indonesia lập tức đáp trả để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Trân trọng giới thiệu bài viết dành cho Tuần Việt Nam của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao:

Ngày 12/6, Phái đoàn Indonesia tại LHQ đã ra công hàm No. 148/POL-703/VI/20 nhanh chóng thể hiện quan điểm đáp lại Công hàm No. CML/46/2020 ngày 2/6 của Phái đoàn Trung Quốc nhận xét về Công hàm trước đó của Indonesia No. 126/POL-703/V/20 ngày 26/5.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát tàu chiến. Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát tàu chiến. Ảnh: Reuters

Các công hàm này nằm trong cuộc chiến công hàm 2.0 về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông do Malaysia khởi xướng từ ngày 12/12/2019.

Trước đó, trong cuộc chiến công hàm 1.0 khi Malaysia và Việt Nam đệ trình hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa năm 2009, Indonesia, nước không có tranh chấp tại Biển Đông, đã có công hàm No. 480/POL-703/VII/10 ngày 8/7/2010 bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra năm 2009.

Trong công hàm này, Indonesia khẳng định ‘không phải là quốc gia yêu sách có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông” và “cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn có trong công hàm CML/17/2009 (của Trung Quốc) ngày 7/5 rõ ràng thiếu cơ sở luật quốc tế và hoàn toàn ngược lại với Công ước Luật biển 1982” (The so-called 'nine-dotted lines map' as contained in the above circular note Number CML/17/2009 dated 7th May 2009 clearly lacks international legal basis and is tantamount to upset the UNCLOS 1982).

Indonesia phản đối vì lo ngại rằng một phần nhỏ của đường 9 đoạn có thể chạm vào vùng nước đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh đảo Natura, điểm cơ sở trong hệ thống đường cơ sở quần đảo của Indonesia quy định trong văn bản Regulation No. 37 năm 2008.

Đệ trình một phần thềm lục địa mở rộng của Malaysia 2019 đưa đến sự đụng độ của tàu thăm dò dầu khí West Capella do Malaysia thuê với tàu nghiên cứu Hải dương địa chất 8 có sự hộ tống của các tàu hải giám của Trung Quốc trong tháng 4-5 năm 2020 gần với khu vực Natura buộc Indonesia ra công hàm khẳng định lập trường này một lần nữa. Công hàm ngày 26/5 gồm 3 điểm:

1, Indonesia không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông

2, Indonesia ủng hộ Phán quyết trọng tài Biển Đônng năm 2016 rằng không một thực thể biển nào trong quần đảo Trường Sa được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;

3, Indonesia nhắc lại bản đồ đường 9 đoạn rõ ràng thiếu cơ sở luật quốc tế và hoàn toàn ngược lại với Công ước Luật biển 1982. Quan điểm này đã được Phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông khẳng định là bất kỳ quyền lịch sử nào mà CHND Trung Hoa có thể có đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật đều đã bị thay thế bởi các ranh giới vùng biển quy định bởi Công ước Luật biển 1982.

Toan tính Trung Quốc

Thế nhưng Trung Quốc không nghĩ vậy. Công hàm ngày 2/6 cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải chư đảo (bao gồm Nam Sa quần đảo - Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận. Trên cơ sở Nam Hải chư đảo, Trung Quốc có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Đông. Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước luật biển 1982”.

Trung Quốc khẳng định “không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia trong Biển Đông”. Thế nhưng, họ cho rằng “Trung Quốc và Indonesia có các yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích biển tại một số phần ở Biển Đông”. Vì vậy, Trung Quốc tỏ ra hào phóng đề xuất “mong muốn giải quyết các yêu sách chồng lấn này thông qua thương lượng và hòa giải với Indonesia, và sẽ làm việc với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Trung Quốc cũng không quên nhắc lại lập trường “ba không” đối với Tòa trọng tài 2016 cho rằng Tòa đã vượt quá thẩm quyền (ultra vires) và Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.

Công hàm của Trung Quốc thực sự gây choáng váng cho Indonesia cũng như các nhà nghiên cứu còn bán tín bán nghi về ý định của Trung Quốc. Văn bản này lần đầu tiên chính thức xác nhận quan điểm của Trung Quốc coi Indonesia là một bên tranh chấp vùng biển ở Biển Đông.

Trong khi vẫn duy trì yêu sách đường 9 đoạn, Trung Quốc đã tìm cách kết hợp các vùng biển quy định trong Công ước Luật biển vào khái niệm Nam hải chư đảo. Khái niệm này có thể được giải thích là các quần đảo ở Biển Đông bao gồm Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc có thể yêu sách vẽ đường cơ sở quần đảo bất hợp pháp cho các quần đảo này (như đã làm với Hoàng Sa năm 1996) và từ đó đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tuyên bố của Trung Quốc bản tiếng Anh sử dụng Nam Hải chư đảo có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở số ít chứ không phải số nhiều. Điều đó không loại trừ khả năng Trung Quốc coi toàn bộ Nam Hải chư đảo là một thực thể để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ đường cơ sở xác định không phù hợp với Công ước Luật biển. Dù theo cách giải thích nào thì vùng biển mà Trung Quốc yêu sách sẽ mở rộng lớn hơn cả từ đường 9 đoạn và “chồng lấn” vùng diện tích đáng kể với Indonesia.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Trước tuyên bố này, Trung Quốc đã cho tàu cá xâm nhập vào vùng nước Natura, gây cớ cho tàu hải giám xuất hiện trong vùng biển này. Bằng cách này Trung Quốc đang tiến hành “biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”.

Đáp trả chính đáng của Indonesia

Không có gì ngạc nhiên khi Indonesia lập tức đáp trả để bảo vệ quyền lợi chính đáng mà Công ước Luật biển mang lại cho họ. Công hàm ngày 12/6 mới đây nhắc lại hai luận điểm trước của công hàm 26/5:

1, Không thực thể nào tại quần đảo Trường Sa có danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa và vì vậy không thực thể nào sẽ tạo ra danh nghĩa chồng lấn biển với vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Indonesia.

2, Không có quyền lịch sử nào tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia đối với CHND Trung Hoa. Nếu bất kỳ một quyền lịch sử nào tồn tại trước khi Công ước Luật biển có hiệu lực thì các quyền này đã bị thay thế bởi Công ước Luật biển 1982. Về nội dung phản đối không có gì khác nhưng lời lẽ của Indonesia sử dụng mạnh mẽ và nhấn mạnh không có các yêu sách chồng lấn nào với Trung Quốc khi không một thực thể nào tại Trường Sa có danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như vậy Indonesia khẳng định họ không phải là bên tranh chấp lãnh thổ cũng không phải là bên tranh biển trong Biển Đông.

Điểm mới nữa trong Công hàm này là Indonesia cho rằng: “Không có lý do pháp lý chính đáng nào theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982, để tiến hành đàm phán phân định ranh giới biển với CHND Trung Hoa hoặc về bất kỳ vấn đề nào về các yêu sách quyền và lợi ích biển đưa ra trái ngược với luật quốc tế”.

Indonesia đã tỉnh táo để không mắc mưu Trung Quốc. Ranh giới các vùng biển của Indonesia được xác định từ đường cơ sở quần đảo được luật quốc tế thừa nhận trong khi yêu sách quần đảo của Trung Quốc là yêu sách đơn phương, không dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Ở đây không phải là chuyện đàm phán hàng đổi hàng mà là không có gì đổi lấy hàng.

Vụ việc buộc các nước xung quanh Biển Đông phải cảnh giác. Bất kỳ nước nào không có hành động phản ứng quyết liệt từ đầu một ngày nào đó sẽ trở thành nạn nhân. Indonesia, nước không có tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành nước thứ hai trong Đông Nam Á có tuyên bố chính thức ủng hộ Phán quyết trọng tài 2016.

Sự tham gia của Indonesia trong cuộc chiến công hàm của Philiippines, Malaysia và Việt Nam sẽ khích lệ các nước ASEAN khác sớm tạo nên một lập trường nhất quán sử dụng Công ước Luật biển 1982 như công cụ pháp lý duy nhất, toàn diện và chặt chẽ để xác định các vùng biển và giải quyết các tranh chấp biển vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/indonesia-tinh-tao-phan-phao-trung-quoc-ve-van-de-bien-dong-649544.html