Indonesia triển khai quân đội, cảnh sát thực thi trạng thái 'bình thường mới'

Ngày 26/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ triển khai 340.000 binh sĩ và cảnh sát tại các địa điểm đông người ở 25 thành phố thuộc 4 tỉnh nhằm chuẩn bị cho trạng thái 'bình thường mới'.

Phát biểu trong chuyến thăm một nhà ga tàu điện ngầm tại thủ đô Jakarta cùng Tư lệnh quân đội - Đại tướng không quân Hadi Tjahjanto, Cảnh sát trưởng quốc gia - Tướng Idham Azis và Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, Tổng thống Joko Widodo cho biết lực lượng an ninh sẽ giúp đảm bảo rằng người dân tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Binh sĩ tham gia phòng dịch COVID-19 tại Aceh, Indonesia, ngày 19/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ tham gia phòng dịch COVID-19 tại Aceh, Indonesia, ngày 19/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Joko Widodo cho hay tỷ lệ lây nhiễm (R0) virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã giảm xuống dưới mức 1 tại một số tỉnh, cho thấy sự suy giảm tốc độ lây lan dịch bệnh tại các địa phương này.

Về phần mình, Đại tướng Hadi thông báo rằng khoảng 1.800 địa điểm trên khắp cả nước sẽ được quân đội và cảnh sát bảo vệ, trong đó có các trung tâm mua sắm, chợ truyền thống, điểm du lịch và những nơi khác có lưu lượng người lớn. Cũng theo Đại tướng Hadi, nhiệm vụ của quân đội và cảnh sát là đảm bảo các giao thức y tế được tuân thủ nghiêm túc, trong đó có đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, và rửa tay sát trùng.

Hồi tuần trước, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn đến ngày 4/6 tới. Kể từ khi được áp đặt lần đầu tiên tại thủ đô Jakarta vào ngày 10/4, các hạn chế xã hội quy mô lớn đã được gia hạn 3 lần với tổng cộng 56 ngày tại thủ đô Jakarta. Phát biểu họp báo, Thống đốc Anies nhấn mạnh rằng quyết định dỡ bỏ hay tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế sau ngày 4/6 sẽ phụ thuộc vào việc người dân Jakarta tuân thủ các giao thức y tế trong hai tuần tới.

Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ, tính đến ngày 26/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 23.165 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.418 ca tử vong.

* Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, giới doanh nghiệp Campuchia tiếp tục kêu gọi chính phủ nước này hỗ trợ nền kinh tế nội địa trong và sau thời gian dịch COVID-19, thông qua việc miễn thế chấp một số khoản vay và các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia.

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Chính phủ Campuchia công bố kế hoạch vào tuần trước về việc giảm thuế điện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, thương mại và lĩnh vực dịch vụ từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020. Các công ty trong khu vực này sẽ chỉ phải trả tiền điện tiêu thụ và dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 25% chi phí trong hóa đơn điện.

Trong khi việc giảm thuế điện được đón nhận như những tin khá tốt lành, giới doanh nghiệp vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ chưa giải quyết đề xuất chủ chốt trong một bức thư chung của các phòng thương mại và hiệp hội gửi Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia (CCC) Kith Meng và Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth hồi tháng trước.

Bức thư ký ngày 24/4/2020 đề nghị Chính phủ Campuchia đảm bảo cho các khoản vay lên tới 3 tháng bằng thu nhập năm 2019 của một công ty, hoặc tương đương chi phí lương 2 năm của công ty đó. Giới doanh nghiệp muốn các công ty cam kết ít nhất 50% người lao động vẫn còn tên trong bảng lương, trong khi phần trả khoản vay không nhất thiết phải thực hiện trong năm đầu tiên, nhưng sẽ phải trả đủ trong vòng 6 năm.

Lãnh đạo một số ngành công nghiệp cũng kêu gọi chính phủ khuyến khích đầu tưu trực tiếp nước ngoài (FDI) và khuếch trương Campuchia như là điểm đến cho các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) và công ty bằng những ưu đãi thuế và lợi nhuận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như cho những dự án đầu tư lớn.

Hữu Chiến - Trần Long (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-trien-khai-quan-doi-canh-sat-thuc-thi-trang-thai-binh-thuong-moi-20200527062137996.htm