Indonesia trước cơ hội làm nên lịch sử
Trong lịch sử giải đấu Vô địch bóng đá các quốc gia Đông Nam Á - AFF Cup, Indonesia cho đến nay là đội dẫn đầu về nhì (Runners - up) với 5 lần vào chung kết và đều thất bại. Liệu với trận chung kết lần thứ 6 này trước Thái Lan trong giải năm nay, họ có giành được ngôi vô địch để làm nên lịch sử cho bóng đá nước mình?
NỀN BÓNG ĐÁ LÂU ĐỜI
Nếu có một môn thể thao nào phổ biến rộng khắp và được yêu thích một cách cuồng nhiệt tại Indonesia - một quốc gia với dân số trên 270 triệu người thì đó chính là bóng đá. Có chăng một môn khác có thể so sánh với bóng đá, đó chính là cầu lông - cũng phổ biến rộng khắp tại đất nước có trên 17 nghìn hòn đảo lớn nhỏ này, nhưng với lớp trẻ ở đây, đặc biệt là nam, bóng đá vẫn luôn ngự trị hàng đầu.
So sánh với các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á thì Indonesia cũng có một lịch sử bóng đá khá lâu đời. Liên đoàn bóng đá quốc gia này thành lập từ năm 1930, gia nhập Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) năm 1952, là thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) năm 1954.
Đội tuyển quốc gia này dưới danh nghĩa đội Hà Lan Đông Ấn (Dutch East Indies) từng tham dự FIFA World Cup năm 1938, thua Hunggary 0-6 và bị loại trong một trận đấu duy nhất tại giải, từ đó đến nay bóng đá nước này chưa bao giờ được đặt chân trở lại với Cúp bóng đá thế giới. Năm 1956, đội tuyển quốc gia này tham gia Thế vận hội mùa hè, hòa 0-0 với đội Liên bang Soviet, trận đá lại họ thua 0-4.
Ở cấp độ châu Á, đội tuyển Indonesia cũng từng có chiến công hiển hách khi giành được huy chương đồng tại giải Vô địch bóng đá châu Á năm 1958. Từ đó đến nay họ có 3 lần tham gia giải đấu cao nhất cấp châu lục này nhưng chẳng thành công lắm.
Hiện nay bóng đá quốc gia này cũng đi từng bước từ nghiệp dư, bán chuyên lên chuyên nghiệp; hiện Indonesia có 2 giải đấu quốc gia hàng chuyên nghiệp khá mạnh gồm Liga 1 với 18 câu lạc bộ (CLB) và Liga 2 với 24 CLB. Dưới 2 giải đấu này là giải nghiệp dư Liga 3 không hạn chế số đội tham dự hằng năm.
5 LẦN VÀO CHUNG KẾT AFF CUP
Dù có một đội tuyển quốc gia vào hàng có truyền thống lâu đời, có một giải bóng đá quốc gia vận hành khá tốt nhưng Indonesia lại lận đận trong giải bóng đá khu vực Đông Nam Á. Tại AFF Cup, họ đã từng vào đến trận chung kết 5 lần trước đây nhưng cả 5 lần này họ đều thất bại.
Lần đầu tiên là vào năm 2000, AFF Cup lúc đó được tổ chức tại Thái Lan và được mang tên Tiger Cup của nhà tài trợ. Indonesia lúc đó cùng với Thái Lan dẫn đầu bảng A, cùng vào bán kết và rồi lại gặp nhau tại trận chung kết. Do mất quá nhiều sức trong trận thắng Việt Nam 3-2 trước đó với bàn thắng cuối cùng được một cầu thủ của Indonesia ghi ở phút 120 hiệp phụ, đội tuyển Indonesia đã thua Thái Lan đến 4-1 trong trận chung kết, nhường danh hiệu vô địch cho chủ nhà Thái Lan.
Tại AFF Tiger Cup 2002, Indonesia như một định mệnh lại gặp lại Thái Lan trong trận chung kết. Trong năm này 2 quốc gia Indonesia và Singapore đồng đăng cai, nhờ phong độ xuất sắc của tài năng trẻ Bambang Parmungkas (8 bàn – vua phá lưới của giải) đã giúp chủ nhà Indonesia tiến thẳng đến chung kết. Trái lại, đội tuyển Thái Lan chỉ vượt qua vòng bảng nhờ hơn Singapore hiệu số bàn thắng bại, nhưng sau đó họ thắng đậm Việt Nam của HLV Henrique Calisto đến 4-0 để vào chung kết. Đây là năm mà Indonesia tràn đầy hy vọng nhất vì họ đang có một lứa cầu thủ trẻ và một ngôi sao trong đội hình, lại được thi đấu trên sân nhà Gelora Bung Karno tại Jakakta với sự chứng kiến của khoảng 100 nghìn khán giả chủ yếu là khán giả nhà cuồng nhiệt.
Tuy nhiên trong trận chung kết này họ đã bị Thái Lan tạt một gáo nước lạnh vào mặt khi dẫn trước đến 2-0 ngay hiệp 1. Đến hiệp 2 đội nhà Indonesia bình tĩnh gỡ hòa 2-2. Trong loạt đá luân lưu, họ lại hưởng lợi thế khi danh thủ người Thái Kiatisuk đá hỏng ở lượt đầu tiên. Nhưng sau đó, 2 cầu thủ Indonesia là Sugiantoro và Agus Firmansyayh đều thực hiện không thành công, trong khi 4 chân sút của Thái Lan đều không mắc sai lầm nào để ấn định chiến thắng 4-2, đưa chiếc cúp AFF về Thái.
Tại AFF Tiger Cup 2004, do Việt Nam và Malaysia đăng cai, Indonesia tiếp tục vào đến trận chung kết gặp Singapore. Cả 2 trận lượt đi và về của chung kết năm này, Indonesia đều thua Singapore, trận chung kết đầu tiên trên sân Gelora Bung Karno tại Jakakta họ bị thua 1-3; trận chung kết lượt về trên sân Kallang của Singapore, họ thua 2-1, chấp nhận về nhì.
Tại AFF Suzuki Cup 2010, đội Indonesia lần thứ 4 vào chung kết, lần này đối thủ của họ là quốc gia láng giềng Malaysia. Trong trận chung kết lượt đi trên sân vận động quốc gia Bukit Jalil của Malaysia tại Kualar Lumpur với sự hiện diện của trên 98,5 nghìn lượt khán giả, Malaysia thắng Indonesia đến 3-0. Trận lượt về trên sân nhà Gelora Bung Karno, Indonesia đã có chiến thắng 2-1 trước Malaysia, nhưng chiến thắng với tỷ số này là không đủ, Singapore giành danh hiệu vô địch còn Indonesia vẫn về nhì.
Ở AFF Suzuki Cup 2016, lần thứ 5, Indonesia vào chung kết và đối thủ của trận chung kết này lại là Thái Lan. Cùng bảng A với Thái Lan, cả 2 đội này đều vào chung kết. Trong trận chung kết lượt đi, Indonesia có chiến thắng 2-1 trên sân Pakansari ở Bogor. Tuy nhiên 3 ngày sau, trong trận lượt về gặp Thái Lan tại sân Rajamagala tại Bangkok, cú đúp của cầu thủ Siroch Chathong đã giúp Thái Lan thắng lại 2-0 . Với 1 bàn thắng ghi được trên sân khách, người Thái có tỷ số chung cuộc 3-2 để lập kỷ lục 5 lần vô địch giải đấu này, còn Indonesia cũng có một kỷ lục nhưng là kỷ lục …buồn, 5 lần vào đến trận chung kết và cả 5 lần đều thua.
LỊCH SỬ CÓ SANG TRANG?
Phải nói rằng tại AFF Suzuki Cup 2020 năm nay, Indonesia gây ấn tượng rất mạnh khi họ đã xuất sắc cầm hòa đội tuyển Việt Nam và đặc biệt là trận vượt qua đội tuyển Singapore.
Có thể nói trận đấu giữa Indonesia và Singapore này với màn rượt đuổi tỷ số đầy điên rồ, là trận cầu kịch tính và hấp dẫn bậc nhất trong lịch sử các kỳ AFF Cup cho đến nay. Indonesia có một đội hình trẻ, thi đấu cực kỳ “máu lửa”, tranh cướp quyết liệt, không ngại va chạm, khi cần thì giở chiêu tiểu xảo, lấn lướt Singapore từ đầu, bàn thắng đầu tiên đã đến với Indonesia như một kết quả tất yếu.
Tuy nhiên, Singapore dù bị mất người nhưng lại lần lượt gỡ lại được 1-1 rồi lại vươn lên 2-1, đến phút 87, Indonesia mới gỡ lại được 2-2 dù trong thế áp đảo hơn người. Kịch tính ở phút chót khi Singapore được hưởng quả đá phạt đền 11 m, chỉ cần vào là chủ nhà Singapore cầm vé vào chơi chung kết. Nhưng thần may mắn lại đứng về phía Indonesia khi thủ môn đội này đẩy được bóng ra. Trận đấu giải quyết trong hiệp phụ nhờ 2 bàn thắng tiếp theo của Indonesia.
Với chiến thắng quan trọng này, đây đã là lần thứ 6 Indonesia vào đến chung kết AFF Cup. Trước mắt họ là ngưỡng cửa lịch sử. Đối mặt với họ lần thứ 6 này lại là người Thái.
Đội tuyển Thái Lan hiện đang rất mạnh và đang nằm cửa trên. Nếu như trong trận thắng 2-0 lượt đi của người Thái trước Việt Nam còn có chút may mắn, một phần góp sức do cách thiên vị của trọng tài, thì trận lượt về hòa 0-0 họ đã chơi rất kín kẽ và hàng tấn công rất mạnh của Việt Nam đã không xuyên thủng được.
Theo lịch thi đấu, trận chung kết lượt đi giữa Indonesia và Thái Lan sẽ diễn ra vào tối 29/12/2021 và đến thứ Bảy 1/1/2022 cuối tuần này là trận lượt về. Cả 2 đội trước mắt đều có 180 phút trong 2 trận đấu để thể hiện mình. Hãy chờ xem đội tuyển Thái Lan tiếp tục lên ngôi vô địch lần thứ 6 hay đội tuyển Indonesia có thể lật trang sử bóng đá của mình sang một chương khác.