Indonesia và cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều quốc gia trong đó có Indonesia. Để tận dụng tốt thời cơ và vượt qua những thách thức từ cuộc cách mạng này, vấn đề khai thác nguồn lực con người, nhất là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách được đặt ra đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Ở bất kỳ thời gian nào, đối với bất cứ quốc gia nào, nguồn nhân lực cũng là yếu tố trung tâm, là động lực phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực lại càng được coi trọng, bởi đây chính là chìa khóa quyết định để một quốc gia có thể thành công trong việc đón đầu làn sóng CMCN 4.0 hay không. Thế nhưng, Indonesia-nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lại đang lâm vào trình trạng thiếu hụt tới 50,4% lực lượng lao động có tay nghề cao. Trong khi đó, theo dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện tại tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại quốc gia này ở mức 15%, cao nhất khu vực. Nhiều sinh viên Indonesia sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp và buộc phải lựa chọn những công việc lao động chân tay, không liên quan đến các chuyên ngành được đào tạo. Nguyên nhân, những lĩnh vực lao động trí óc hiện nay đòi hỏi người lao động không những có trình độ chuyên sâu, mà phải có những kiến thức cơ bản và thái độ, cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trong khi, phần lớn đội ngũ lao động của Indonesia không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết này.

 Học sinh Indonesia tham dự kỳ thi quốc gia tại một trường trung học ở Jakarta. Ảnh: The ASEAN Post.

Học sinh Indonesia tham dự kỳ thi quốc gia tại một trường trung học ở Jakarta. Ảnh: The ASEAN Post.

Một bài viết mới đây trên trang The ASEAN Post đã phân tích về cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao của Indonesia, và khẳng định hệ thống giáo dục yếu kém không bảo đảm chất lượng đầu ra chính là nguyên nhân khiến lực lượng lao động trẻ của quốc gia vạn đảo thất nghiệp tràn lan. Mặc dù sở hữu hệ thống trường đại học khá đồ sộ với gần 4.500 trường và hơn 25.500 chuyên ngành đào tạo, tuy nhiên các tổ chức giáo dục bậc đại học của Indonesia vẫn xếp ở hạng kém trong bảng đánh giá chất lượng giáo dục toàn cầu. Ví dụ điển hình là vào cuối năm 2017, chỉ có 65 trong số gần 4.500 trường đại học được công nhận là trường hạng A.

Hầu hết các trường đại học có chất lượng đào tạo kém đều thuộc sở hữu tư nhân và cung cấp các dịch vụ giáo dục không đạt chuẩn, từ đó cho ra những sinh viên tốt nghiệp chất lượng kém. Đây là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp tại Indonesia tiếp tục tăng cao từ gần 375.000 người năm 2016 lên hơn 463.000 trong năm 2017. Thực trạng đáng báo động này buộc Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia phải công bố kế hoạch đóng cửa hoặc sáp nhập 1.000 cơ sở đào tạo tư nhân vào năm 2019.

Một vấn đề lớn nữa của các trường đại học Indonesia là thiếu giảng viên có trình độ. Ước tính Indonesia có gần 190.000 giảng viên có trình độ cử nhân và thạc sĩ, nhưng đội ngũ có trình độ tiến sĩ chỉ khoảng hơn 5.000 người. Thực trạng thiếu giảng viên có trình độ sẽ còn nghiêm trọng hơn khi đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Indonesia đang đến độ tuổi nghỉ hưu và dự kiến sẽ có khoảng 6.000 giảng viên nghỉ hưu vào năm 2021.

Trước thực tế trên, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tận dụng triệt để xu hướng khuyến khích các trường đại học tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên. Indonesia nằm trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục. Số lượng người dùng internet tại Indonesia cũng liên tục tăng trong những năm gần đây. Indonesia có 171 triệu người, tương đương 64,8% tổng dân số 264 triệu người sử dụng internet trong năm 2018. Bởi vậy, giáo dục bằng phương tiện điện tử được kỳ vọng sẽ là giải pháp để nhiều người lao động có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo hơn, đồng thời cũng giảm chi phí đáng kể trong quá trình dạy và học theo phương pháp truyền thống.

Không chỉ vậy, Chính phủ Indonesia còn khuyến khích các trường đại học nước ngoài có uy tín mở chi nhánh ở Indonesia hoặc hợp tác với các trường đại học địa phương để đưa vào các chương trình đào tạo có chất lượng cao.

Trước đòi hỏi đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục, một loạt các vấn đề như phân bổ ngân quỹ phù hợp cho giáo dục, quản lý hệ thống các trường học, các chương trình đào tạo, trau dồi kiến thức cho đội ngũ giảng viên, thiết kế chương trình giảng dạy, sử dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục... cũng đang trở thành những bài toán mà Indonesia cần gấp rút đưa là lời giải. Bởi bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình cải cách khi CMCN 4.0 đã gõ cửa đều sẽ có những tác động không thể đảo ngược đối với Indonesia và vị thế của quốc gia này trong nền kinh tế toàn cầu.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/indonesia-va-con-khat-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-606274