Influencer ở châu Âu bị 'đánh cắp' danh tính để tuyên truyền ủng hộ ông Trump

Qua hợp tác điều tra với trung tâm phát hiện tin giả CIR, CNN phát hiện 17 người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) tại nhiều nước châu Âu bị giả mạo để phục vụ nỗ lực tuyên truyền ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối tác J.D.Vance.

Tài khoản X Luna_2K24 xuất hiện từ tháng 3, với mô tả bản thân là người ủng hộ ông Trump sống tại bang Wisconsin. Tài khoản này thu hút hơn 30.000 người theo dõi, góp sức tuyên truyền phong trào “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) bằng hàng loạt bài đăng ca ngợi nỗ lực tái tranh cử của chính trị gia đảng Cộng hòa, thúc đẩy thuyết âm mưu về Phó tổng thống Kamala Harris và chia sẻ các quan điểm chính sách của đảng Cộng hòa.

Ngày 29.7, Luna_2K24 đăng tải một bức ảnh mặc áo tắm màu trắng kèm câu hỏi: “Bạn có ủng hộ Trump làm tổng thống mãi mãi không? Tôi tự hỏi liệu tất cả các bạn có ủng hộ ông ấy nắm quyền giống như tôi không?”, đồng thời đề nghị người theo dõi nếu đồng ý thì để lại bình luận biểu tượng quốc kỳ Mỹ.

Nhưng đây không phải tài khoản thật.

Loạt hình ảnh cô gái tóc nâu tươi cười được đăng thường xuyên trên tài khoản thuộc về Debbie Nederlof, influencer thời trang người Đức - người mà trên thực tế chẳng hề tham gia bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Debbie Nederlof rất tức giận khi biết danh tính của mình bị đánh cắp.

“Tôi chẳng liên quan gì đến nước Mỹ, đến Trump hay chuyện chính trị ở đó cả. Một người Đức nhỏ bé như tôi quan tâm chính trị Mỹ làm gì chứ”, nữ bác sĩ nhãn khoa 32 tuổi chia sẻ.

Nederlof là một trong 17 influencer châu Âu trong lĩnh vực thời trang hoặc làm đẹp ở Hà Lan, Đan Mạch, Nga có hình ảnh bị lấy đi bởi đối tượng vô danh nhằm tuyên truyền cho cựu Tổng thống Trump cùng đối tác tranh cử trên X, theo cuộc điều tra do CNN hợp tác CIR tiến hành.

CNN/CIR phát hiện số tài khoản giả mạo 17 influencer thuộc 56 tài khoản trong chiến dịch phối hợp ủng hộ Trump - Vance. Không có bằng chứng chiến dịch tranh cử của chính trị gia đảng Cộng hòa liên quan đến hoạt động này.

56 tài khoản có thể chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” to lớn hơn. Tất cả sử dụng hình ảnh phụ nữ trẻ đẹp (lấy cắp hoặc dùng trí tuệ nhân tạo tạo ra) thường xuyên tuyên bố ủng hộ Trump, đăng bài kèm hashtag #MAGAPatriots, #MAGA2024 hay #IFBAP. Vài trường hợp còn thêm khẩu hiệu vào quần áo trên hình ảnh. Các tài khoản gửi đi thông điệp tương tự và đôi khi chia sẻ bài đăng của nhau.

Hầu hết đều mới xuất hiện từ vài tháng trở lại đây, tất cả ghi thông tin vị trí là tại Mỹ. Đặc biệt 15 tài khoản giả lại có dấu xanh chứng tỏ đã được xác thực, 8 trong số đó dùng hình ảnh lấy cắp.

Nederlof cho biết đây không phải lần đầu hình ảnh bản thân bị lấy và sử dụng dù chưa được cô đồng ý, nhưng trước đây chưa từng có đối tượng nào dùng chúng phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị cả. Tài khoản giả danh Nederlof đăng đầy thuyết âm mưu, tuyên bố sai sự thật rằng kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 bị gian lận, thông tin cựu Tổng thống Trump phải đối mặt với nhiều âm mưu ám sát, quan điểm chống LGBTQ, phân biệt chủng tộc.

Tỷ phú Elon Musk sau khi mua lại X đã sa thải phần lớn nhân viên kiểm duyệt và bãi bỏ nhiều cơ chế quản lý nội dung đăng tải. Năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) điều tra nền tảng này với cáo buộc không tuân thủ Đạo luật Dịch vụ số.

Đạo luật nhằm mục đích bảo vệ ngăn chặn hoạt động gây hại lẫn thông tin sai lệch trên không gian mạng, bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, influencer như Nederlof mỗi lần muốn mạng xã hội xử lý tài khoản lấy cắp hình ảnh của mình đều rất vất vả.

Không chỉ hình ảnh "chính chủ", mà hình ảnh con trai và chú chó của Nederlof cũng bị lấy cắp. Từng có đối tượng mạo danh dùng ảnh chú chó gây quỹ một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể. Cô nhiều lần trình báo nhưng đa số nhận lấy thất vọng.

Trong số người theo dõi tài khoản Luna_2K24 có thượng nghị sĩ Cộng hòa Doug Mastriano. Ông chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ CNN.

Influencer người Hà Lan Demi Maric cũng là 1 nạn nhân. Hình ảnh của nữ sinh viên 27 tuổi bị lấy cắp đăng trên tài khoản X queen0_gabriela tỏ rõ lập trường ủng hộ cựu Tổng thống Trump. Tài khoản thường xuyên cập nhật trạng thái, kêu gọi bỏ phiếu cho chính trị gia đảng Cộng hòa vào tháng 11.

Maric cũng không ít lần bị đánh cắp danh tính. Cô đã từng 1 lần dính vào kiện tụng do đối tượng mạo danh cô lừa tiền người khác.

Trên X còn xuất hiện tài khoản eva_maga1996 sử dụng hình ảnh của influencer Neriah Tellerup Andersen, tài khoản Alinamaga33 mạo danh influencer Kamilla Broberg (đều ở Đan Mạch).

Theo Giám đốc điều tra CIR Benjamin Strick, đối tượng mạo danh các influencer ủng hộ cựu Tổng thống Trump hiểu rõ giá trị của việc tạo ra một nhân vật thật đáng tin cậy trong nỗ lực tuyên truyền.

Cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne cùng cựu giám đốc chính sách Facebook Katie Harbath đều nhận định chính tâm lý xem thường nữ giới khiến loạt tài khoản giả mạo nêu trên thu hút sự chú ý lớn. Bà Horne chỉ ra: “Bài đăng có hình ảnh phụ nữ thường có tương tác cao với một số đối tượng mục tiêu cho loại nội dung này, đặc biệt là đàn ông trẻ bất mãn”.

Phát hiện của CNN được công bố vào thời điểm hai ứng viên tổng thống Mỹ bày tỏ mạnh mẽ quan điểm xung quanh quyền của phụ nữ. Phó tổng thống Harris định vị bản thân là người bảo vệ nữ giới, chủ trương khôi phục quyền phá thai trên toàn quốc. Cựu Tổng thống Trump lại đề cao giá trị gia đình, bảo vệ trẻ chưa ra đời.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/influencer-o-chau-au-bi-danh-cap-danh-tinh-de-tuyen-truyen-ung-ho-ong-trump-223204.html